Mở rộng cửa bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp
Các Website khác - 19/02/2009

Doanh nghiệp có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng nhiều nhất 500 lao động sẽ được hưởng cơ chế bảo lãnh vay vốn. Các công ty trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hóa, giáo dục đào tạo và y tế cũng thuộc đối tượng được xem xét bảo lãnh vốn vay.

Với những nội dung trong Quyết định 14/2009/QĐ-TTg vừa ban hành, các ngân hàng sẽ mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp đến với nguồn vốn ngân hàng, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ thuận lợi hơn. Điều kiện bảo lãnh vốn vay là các doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, không nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế; không nợ đọng thuế và có tối thiểu 10% vốn để thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh... Những đối tượng hoạt động trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dịch vụ, vay vốn để thanh toán nợ vay của các hợp đồng tín dụng khác không thuộc đối tượng được hỗ trợ vốn vay.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quyết định 14 quy định tài sản thế chấp bảo đảm để bảo lãnh chính là “giá trị tài sản hình thành từ vốn vay cộng với vốn doanh nghiệp tự có tối thiểu là 10% để tham gia đầu tư dự án vay vốn”. Hạn mức vốn vay sẽ không hạn chế mà chỉ phụ thuộc vào tính khả thi của dự án, phương án đầu tư sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động thuộc đối tượng được hưởng cơ chế bảo lãnh vay vốn. Ảnh: T.A.

Tại hội nghị triển khai Quyết định 14 sáng 18/2 ở TP HCM, Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) Nguyễn Quang Dũng khẳng định, nhà băng lẫn doanh nghiệp là những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh tín dụng của Chính phủ. Quyết định này đã đưa ra những quy định về điều kiện vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp thông thoáng hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ, khối hợp tác xã có thể củng cố và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Trước đây, để tiếp cận được nguồn vốn vay của các ngân hàng, người vay vốn phải đáp ứng tất cả điều kiện mà nhà băng đưa ra. Chỉ cần một điều kiện không đáp ứng được, khách hàng chắc chắn sẽ nhận được cái lắc đầu từ chối của các ngân hàng. Không ít doanh nghiệp đành ngậm ngùi rời bỏ nguồn vốn vay.

Hiện có khoảng 85% doanh nghiệp hoạt động với vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng. Điểm thường gặp ở công ty quy mô vừa và nhỏ này là sổ sách chứng từ không cụ thể, bài bản. Các doanh nghiệp tư nhân phổ biến tình trạng mỗi tháng đều thuê dịch vụ bên ngoài làm sổ sách, chứng từ, báo cáo thuế. Điều này khiến cho các ngân hàng e ngại, không dám “rót” một lượng tiền lớn cho các khách hàng này vay.

Ngoài ra, khách hàng thuộc khối hợp tác xã, làng nghề cũng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Với đặc điểm quy mô nhỏ lẻ phải đối mặt trong tình hình nền kinh tế khó khăn hiện tại, nhiều nơi đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra của sản phẩm, không có khả năng duy trì sản xuất vì không có lượng vốn cố định, nguy cơ đóng cửa là rất cao.

VDB cam kết sẽ bảo lãnh 100% vốn vay và lãi phát sinh theo hợp đồng, thời gian thỏa thuận vay vốn của doanh nghiệp với ngân hàng thương mại. Mức phí bảo lãnh tối đa 0,5% một năm dựa trên số tiền được bảo lãnh. Quá trình thẩm định hồ sơ bảo lãnh vay vốn theo quy định sẽ không quá 20 ngày đối với các dự án đầu tư, phương án kinh doanh phân cấp. Còn trường hợp không phân cấp và bảo lãnh vốn vay bằng ngoại tệ, thời gian thẩm định không quá 10 ngày. Các hợp đồng bảo lãnh, thế chấp tài sản và nhận nợ nguyên tắc sẽ tiến hành trong thời gian tối đa 5 ngày.

Sau đó, VDB cấp chứng thư bảo lãnh cho doanh nghiệp để tiến hành các thủ tục vay vốn với ngân hàng thương mại. Giám đốc các chi nhánh VDB sẽ quyết định về bảo lãnh vay vốn với các khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn. VDB chỉ cấp chứng thư bảo lãnh vốn vay và giới thiệu cho doanh nghiệp với những ngân hàng đã ký kết biên bản thỏa thuận. Doanh nghiệp muốn được bảo lãnh vay vốn phải mở tài khoản tại các chi nhánh VDB.

Theo VnExpress