Một doanh nghiệp được tỉnh dung dưỡng
Các Website khác - 03/12/2005

Khai thác cát đen trái phép ở Bình Thuận:
Một doanh nghiệp được tỉnh dung dưỡng

Trong bức tranh khai thác titan sa khoáng (cát đen) tại Bình Thuận, Lidisaco án ngữ ở phía nam và Cty cổ phần vật liệu xây dựng & khoáng sản Bình Thuận (CPKSBT) án ngữ ở phía bắc. Cty CPKSBT lại có lợi thế là "ông con" của tỉnh nhà.

Mua bán hàng lậu, khai thác trái phép
Lợi dụng pháp nhân được phép kinh doanh cát đen, từ 1.3-1.9.2003, Cty CPKSBT đã ký ít nhất 3 hợp đồng - mua của ông Nguyễn Đăng Hiếu (trú tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) tổng cộng 1.002 tấn cát đen khai thác trái phép; đứng tên đại diện phía Cty không ai khác là GĐ Võ Tấn Nhung và Phó GĐ Nguyễn Thị Ngọc Minh. Dù biết việc mua bán hàng lậu này là vi phạm pháp luật, nhưng Cty CPKSBT vẫn bất chấp.

Không dừng lại ở đây, Cty CPKSBT còn thường xuyên khai thác titan trái phép. Cụ thể, ngày 19.7.2004, UBND tỉnh Bình Thuận có chủ trương cho phép tận thu titan trên diện tích đất 48,1ha ở xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình để làm sạch môi trường trước khi trồng rừng. Tuy nhiên, trong khi giấy phép vẫn chưa được cấp thì Cty CPKSBT đã tung người vào hiện trường khai thác ồ ạt.

Ngày 14.11.2004, Sở TNMT buộc ngừng khai thác, nhưng Cty này không chấp hành. Theo tài liệu của đoàn kiểm tra, phi vụ này Cty CPKSBT đã khai thác trái phép được khoảng 60 tấn cát đen.

Xuất thô núp bóng "tinh quặng"
Cty CPKSBT được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép khai thác tận thu titan sa khoáng trên một diện tích 13,49ha ở xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình. Theo báo cáo, từ khi được cấp phép năm 2001 đến khoảng tháng 5.2005, Cty đã khai thác được 13.660 tấn titan. Sản lượng khai thác cùng với khối lượng hàng mua thu gom đã được Cty tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong đó, khối lượng quặng thô xuất sang Trung Quốc là 5.664 tấn, trị giá hơn 5,5 tỉ đồng.

Cần biết rằng, Cty CPKSBT được cấp phép khai thác để chế biến sâu. Thông tư số 02/2001/TT-BCN, ngày 27.4.2001 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc xuất khẩu khoáng sản hàng hoá - thời kỳ 2001-2005 cũng đã quy định: Sản phẩm từ quặng titan chỉ được xuất khẩu dưới các dạng tinh quặng ilmenite, zircon và rutil.

Tinh thần này cũng đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ đề cập trong các hội nghị về khai thác khoáng sản. Thế nhưng, Cty CPKSBT đã đi ngược lại những chỉ đạo của Chính phủ và những quy định trong Thông tư 02 của Bộ Công nghiệp. 5.664 tấn titan mà Cty này xuất sang Trung Quốc đều dưới dạng thô, nhưng lại được kê khai trong hồ sơ với hải quan là "ilmenite TiO2 52%", tức là tinh quặng ilmenite. Còn trên thực tế, dự án xây dựng nhà máy chế biến sâu chỉ nhằm tạo lý do để hợp thức hoá việc xin khai thác.

Vì sao chưa bị "sờ" đến?

Sự sai phạm của Cty CPKSBT diễn ra dai dẳng trong suốt nhiều năm qua, có tang chứng, vật chứng và thể hiện rành rành trong các hồ sơ, nhưng vì UBND tỉnh Bình Thuận không xử lý nên mọi chuyện đều trôi qua êm xuôi.

Điều đáng nói là, UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo các ban, ngành liên quan lập đoàn kiểm tra. Mỗi lần như thế, các báo cáo thể hiện đầy đủ thực trạng, trong đó có những vi phạm của Cty CPKSBT, nhưng rồi cuối cùng cũng rơi vào tình trạng "giơ cao đánh khẽ".

Gần đây nhất, trong báo cáo của Đoàn kiểm tra 64/QĐ - được thành lập theo chỉ đạo của UBND tỉnh - đã đề xuất UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ các hành vi vi phạm của Cty CPKSBT. Thế nhưng, đề xuất trình lên đã hơn 5 tháng nay, nhưng vẫn không thấy UBND tỉnh ra quyết định xử lý đối với Cty này. Công an tỉnh có muốn nhảy vào cuộc cũng khó, vì UBND tỉnh chưa "gật".

Thẩm Hồng Thụy