Ngân hàng khó kìm lãi suất
Các Website khác - 18/08/2005

Hiệp hội Ngân hàng hôm qua đi đến thoả thuận mới về việc ổn định mặt bằng lãi suất huy động VND ở mức tối đa 8,4%/năm, tăng 0,2 điểm phần trăm so với giao ước cũ. Động thái này được xem như chỉ để giải quyết "chuyện đã rồi" và chưa chắc có thể lôi các ngân hàng ra khỏi cuộc đua lãi suất hiện nay.

Ngân hàng đang đi vào chu kỳ tăng lãi suất và giảm lợi nhuận.

Theo thoả thuận miệng vừa đạt được, các ngân hàng quốc doanh sẽ phải khống chế lãi tiền gửi huy động ở mức 0,7%/tháng, tương đương 8,4%/năm (kỳ hạn 12 tháng); còn kỳ hạn 6 tháng, tối đa chỉ là 0,65%/tháng (tức 7,8%/năm). Các ngân hàng cổ phần cũng được khuyến khích tham gia vào thoả ước đó với mức khống chế riêng: mặt bằng lãi suất chỉ được cao hơn khối quốc doanh không quá 0,3 điểm phần trăm. Như vậy, mức trần mới này đã cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với lần thống nhất cách đây vài tháng. Văn bản chính thức về việc này sẽ được ban hành và có hiệu lực từ đầu tháng 9.

Sau cuộc họp, một số ngân hàng thành viên đã tỏ ý không mấy tin tưởng vào tính khả thi của thoả thuận chưa thành văn kể trên. Thậm chí Ngân hàng cổ phần Các Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh - VP Bank còn tuyên bố, ngay chiều nay sẽ bàn bạc để đưa ra lãi suất mới cho phù hợp với bối cảnh cạnh tranh gay gắt, dù mức lãi tiết kiệm tiền đồng ở nhà băng này đang cao ngất ngưởng: 9%/năm. VP Bank cũng không giấu ý định điều chỉnh đầu ra cao hơn mức 0,97% hiện nay.

"Xu hướng tăng lãi suất là tất yếu. Thực ra phải tăng lâu rồi, nhưng do ảnh hưởng của hiệp hội với mức trần 0,68%, mặt bằng lãi suất đã bị giữ lâu. Tháng 8 này, xu hướng tăng lãi suất sẽ rõ nét hơn và khá mạnh", Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, bà Tô Kim Ngọc trao đổi với VnExpress.

Theo phân tích của bà Ngọc, có ba nguyên nhân chính buộc các ngân hàng phải lao vào cuộc đua, nếu không sẽ thành kẻ chậm chân. Tăng trưởng huy động vốn từ đầu năm tới nay trong toàn hệ thống ngân hàng, đặc biệt khối quốc doanh, luôn chậm hơn tăng dư nợ tín dụng. Tình hình càng khó khăn hơn khi theo quy luật, huy động vốn những tháng cuối năm tiếp tục tăng chậm trong khi nhu cầu tín dụng lại lên cao. Áp lực thứ 2 đối với hệ thống ngân hàng thương mại chính là nguy cơ đôla hoá nặng nề hơn khi lãi suất đôla Mỹ và tỷ giá của đồng Việt Nam với đôla Mỹ đều có xu hướng tăng. Một khi nguy cơ này thành hiện thực, người gửi tiền sẽ chuyển sang đầu tư cho ngoại tệ, dẫn tới nguy cơ thiếu nội tệ cho vay. Huy động ngoại tệ tăng cao nhưng cho vay ngoại tệ lại khó khăn bởi tỷ giá và lãi suất USD đều tăng. Lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng tạo áp lực không nhỏ với ngân hàng, nhất là khi giá xăng dầu liên tục leo thang. Sức ép lạm phát trong những tháng cuối năm sẽ làm suy giảm lãi suất thực dương (lãi suất cao hơn độ trượt giá đồng tiền) của các ngân hàng thương mại. "Cuộc chạy đua dĩ nhiên là diễn ra ngay bây giờ bởi nếu chậm sẽ khó có thành công", bà Ngọc nói.

Vụ trưởng Chiến lược các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Lê Xuân Nghĩa cũng không nghĩ rằng lãi suất ngân hàng sẽ bớt nóng. "Cầu tín dụng đang tăng lên khủng khiếp để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 8%. Một loạt công trình trọng điểm chính phủ đang khát vốn và đến thời kỳ giải ngân. Số lượng vốn cho các công trình đó lên tới hơn 130 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn cung ứng vốn vẫn chủ yếu từ ngân hàng, mà lại là vốn trung, dài hạn".

Ngoài 3 nguyên nhân cầu tín dụng, lạm phát và lãi suất USD, ông Nghĩa cho rằng huy động vốn của ngân hàng cũng đối mặt với sức ép không nhỏ từ thị trường bất động sản. "Chưa ai có thể hiểu được tính đỏng đảnh của thị trường địa ốc. 4 năm qua, giá bất động sản tại Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác đều tăng gấp đôi và đang ở mức đỉnh điểm, chưa biết khi nào mới hạ. Nếu thị trường này "trở chứng", sẽ tạo ra sự lộn xộn nhất trong lĩnh vực ngân hàng".

Tăng lãi suất huy động mà không điều chỉnh được lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ tự làm khó mình. Vì lý do này, không phải nhà băng nào cũng "điên" đến mức cứ lao vào cuộc đua giành giật khách hàng mà không tính toán. Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Vũ Viết Ngoạn, "phải theo dõi sát động thái của Ngân hàng Nhà nước. Nếu ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, ngân hàng thương mại sẽ phải tăng lãi suất. Nếu mở ra thì lãi suất sẽ giảm. Thời điểm này, Vietcombank cảm nhận tiền tệ có vẻ chặt chẽ hơn".

Cả huy động cũng như cho vay của Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) từ đầu năm tới nay đều tăng trưởng trên 25%. Vì vậy, Habubank không tỏ ra quá nôn nóng với cuộc đua lãi suất hiện nay. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Nguồn vốn Ngoại hối và Ngân quỹ của ngân hàng cho biết: "Lãi suất cho vay không thể tăng, bây giờ là 0,95-1%/tháng, doanh nghiệp đã kêu khó rồi. Tăng lãi suất huy động lúc này chỉ làm khó mình".

Suốt nửa năm qua, cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại liên tục nóng bỏng dù Ngân hàng Nhà nước kiên quyết giữ nguyên các loại lãi suất chỉ đạo. Về nguyên tắc, lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố hằng tháng là mức cho vay tốt nhất và là định hướng cho ngân hàng thương mại. Nhưng đến nay, chỉ số đó (0,65%/tháng) thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động tiền gửi trên thị trường. Lãi suất chủ đạo đang diễn biến không kịp so với mặt bằng lãi suất thị trường, hoặc ngược lại công cụ của Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự buộc được các ngân hàng thương mại tuân theo chính sách tiền tệ chung.

Song Linh