Nguy cơ sốt giá đường
Các Website khác - 21/04/2006
Nguy cơ sốt giá đường
Nhóm phóng viên kinh tế

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá đường vẫn đứng ở mức cao. So với mức giá của đợt tăng đầu năm 2006, giá đường hiện nay lại tiếp tục tăng thêm 500 - 700đ/kg. Đã bắt đầu xuất hiện tình trạng khan hiếm đường và nguy cơ "sốt" giá.

Đã bắt đầu tình trạng khan hiếm
đường và nguy cơ "sốt" giá.
Thiếu hụt khoảng 380 nghìn tấn đường

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, đến nay tổng sản lượng mía thu mua và ép trên cả nước chỉ đạt khoảng 7,1 triệu tấn, giảm khoảng 2,5 triệu tấn so với niên vụ trước. Sản lượng đường đạt khoảng trên 630 nghìn tấn, giảm gần 177,7 nghìn tấn, tương đương 22% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tính toán, do cả nước hiện chỉ còn 37 nhà máy đường hoạt động, sản lượng đường chế biến chỉ đạt khoảng 970 nghìn tấn. Được biết trong niên vụ 2005-2006, tại vùng nguyên liệu mía Tây Ninh, các nhà máy trong tỉnh chỉ thu mua và đưa vào chế biến được gần 1,118 triệu tấn mía cây, xấp xỉ 93% so với niên vụ trước.

Nhiều nhà máy đường buộc phải hoạt động trong tình trạng thiếu nguyên liệu, công suất chỉ đạt xấp xỉ 60-70%. Lượng đường sản xuất giảm đến hơn 10 nghìn tấn so với cùng kỳ, đạt khoảng 113,4 nghìn tấn. Bộ NN&PTNT ước tính, cân đối với tổng nhu cầu tiêu thụ đường trong năm, sản lượng đường thiếu hụt sẽ lên tới 380 nghìn tấn.

Thời gian gần đây, giá mía nguyên liệu vẫn không ngừng tăng cao, từ mức bình quân 400 nghìn đồng/tấn, đang lên đến mức kỷ lục trong nhiều năm qua, 720 nghìn đồng/tấn.

Giá tăng là khó tránh
Hiện đường bán sỉ Biên Hoà giá 11.400đ/kg, đường Runa RE: 11.000đ/kg. Dù lượng đường về chợ hiện đã tăng lên 20 tấn/ngày so với cách đây 1 tuần, đạt mức khoảng 100 - 110 tấn/ngày, nhưng cung vẫn còn thiếu so với cầu khoảng 20 - 30 tấn/ngày.

Nguồn cung cấp đường từ các nhà máy sản xuất ở miền Tây về TPHCM giảm nhiều do một số nhà máy đã tạm ngừng hoạt động do hết nguyên liệu. Do vậy, nếu lượng đường về TPHCM trong thời gian tới vẫn tiếp tục ở mức hạn chế, giá đường tiếp tục tăng là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, theo Chi cục Quản lý thị trường, giá đường trên thị trường bán lẻ hiện 13.000 đồng/kg, thậm chí một số nơi tăng giá bán lên 13.500 đồng/kg.

Bên cạnh việc giá đường đứng ở mức cao, tình hình đường nhập lậu được đưa vào TPHCM tiêu thụ có xu hướng tăng. Thống kê của lực lượng chống buôn lậu đã xác định mỗi ngày riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có khoảng 1.000 tấn đường nhập lậu qua biên giới. Thế nhưng việc phát hiện đường nhập lậu một khi mặt hàng này đã được đưa vào thị trường TPHCM, thay đổi bao bì để tiêu thụ lại rất khó.

Phải nhập khẩu đường để "ứng cứu"
Trước tình trạng khan hiếm đường và có khả năng sốt giá, Chính phủ đã có văn bản chính thức đồng ý cho nhập khẩu thêm 160.000 tấn đường kể từ ngày 1.5.

Trong khi đó, do giá đường thế giới tiếp tục tăng cao, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu đường mới nhập khẩu cầm chừng được hơn 40 nghìn tấn. Với lượng thiếu hụt lớn, dự kiến từ nay đến hết tháng 8, các doanh nghiệp phải nhập thêm khoảng 150 nghìn tấn mới đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Mới đây, Bộ NN&PTNT và Bộ Thương mại vừa thống nhất đề nghị Chính phủ bãi bỏ cơ chế cấp giấy phép và hạn ngạch nhập khẩu đường cho từng doanh nghiệp. Theo đó, việc nhập khẩu đường sẽ được triển khai theo hình thức hạn ngạch thuế quan tự động. Nhằm cho phép các doanh nghiệp có thể chủ động nhập khẩu đường đến khi nhập đủ lượng đường 300 nghìn tấn như dự kiến, tương đương lượng đường thiếu hụt cho tiêu dùng trong nước năm nay.