Nhiều người bi quan về triển vọng đàm phán thương mại ở Hồng Công
Các Website khác - 12/12/2005
Các bộ trưởng thương mại sẽ họp tại Hồng Công vào ngày mai để nối lại vòng đàm phán quan trọng về tự do hóa thương mại thế giới. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra bi quan về vòng đàm phán này hoặc họ không cho rằng nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo.

Trong bốn năm, 149 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tranh cãi để đạt được một thỏa thuận thương mại nhằm mở rộng các thị trường trên thế giới, đặc biệt là thị trường hàng nông nghiệp.

Các nước giàu có cơ hội để thực hiện các cam kết của họ sao cho hoạt động thương mại có lợi cho người nghèo.

Khi vòng đàm phán bắt đầu tại Doha, bị phủ bóng đen bởi sự kiện 11-9 ở Mỹ, nhiều người hy vọng rằng vòng đàm phán Doha sẽ lần đầu tiên đưa các nước đang phát triển vào trung tâm của chương trình nghị sự.

Những hy vọng này được củng cổ thêm tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 ở Scotland hồi tháng bảy, khi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết cải cách thương mại, cũng như giảm nợ và tăng viện trợ, chủ yếu là cho các nước châu Phi.

Thủ tướng Anh Tony Blair cảnh báo rằng sự thất bại tại hội nghị của WTO sẽ làm tổn thương cả các nền kinh tế đang phát triển và phương Tây, đặc biệt là ở châu Phi.

Tuy nhiên giờ đây thời gian dường như đang hết để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại, bất chấp sự cam kết cấp cao của các nhà lãnh đạo.

Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy nói rằng cuộc đàm phán sẽ phải được “xem xét lại”.

Ông cho rằng một sự bế tắc sẽ phá hỏng uy tín của WTO và gây khó khăn cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán mới.

Trung tâm của vấn đề là cuộc tranh cãi về việc các nước giàu sẵn sàng tự do hóa thị trường nông nghiệp của họ bao nhiêu để cho nông sản của các nước nghèo có thể thâm nhập vào.

Đổi lại, cả Mỹ và EU muốn được thâm nhập hơn nữa vào thị trường các nước đang phát triển để bán các hàng hóa và dịch vụ như ngân hàng và viễn thông.

Sự lo ngại về vấn đề an ninh

Các nhà hoạt động chống toàn cầu hóa kêu gọi các nước đang phát triển từ chối một thỏa thuận không công bằng và dự định sẽ huy động hàng nghìn người tuần hành phản đối ở Hồng Công.

Chính quyền Hồng Công đã huy động lực lượng cảnh sát và trong mấy tuần qua đã cho gắn chắc xi măng giữa các viên gạch trên vỉa hè để ngăn không cho những người biểu tình sử dụng trong các vụ bạo động.

Amy Barry, nữ phát ngôn của tổ chức từ thiện Oxfam nói: Các nước giàu có cơ hội ở Hồng Công để thực hiện những gì họ đã cam kết có lợi cho người nghèo. Hàng triệu nông dân, các nhà vận động và công nhân sẽ theo dõi họ.

Trong khi đó, một cuộc thăm dò thái độ của công chúng cho thấy sự ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở các nước giàu.

Cuộc thăm dò cho Quỹ Marshall Đức tiến hành cho thấy 58% người châu Âu và Mỹ sẽ ủng hộ tăng cường hàng rào thuế quan để bảo vệ người lao động ở các nước này không bị mất việc làm.

Và 82% số người được hỏi tin rằng các công ty đa quốc gia và Trung Quốc là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ tự do thương mại.

Một thỏa thuận khó khăn

Thời gian đang hết dần để đạt được một thỏa thuận thương mại. Khả năng tốt nhất mà người ta trông đợi là có thể sẽ có nhượng bộ về các vấn đề như về bông hoặc thuốc chữa bệnh, những mặt hàng mà WTO cuối cùng đã đồng ý bãi bõ các quy định để cho phép nhập khẩu những loại thuốc đã có bằng sáng chế để đối phó với dịch Aids.

Theo các quy định của đàm phán thương mại thế giới, nơi mà “mọi thứ phải được đồng ý trước khi bất cứ thứ gì được mọi nước đồng ý, càng ngày càng khó để có thể đạt được những sự thỏa hiệp cần thiết.

Thay vì đó, sự bất đồng dường như đang tăng lên cả giữa những nước giàu và những nước nghèo về khả năng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại.

EU và Mỹ cãi nhau về việc họ sẽ định mở cửa thị trường nông nghiệp như thế nào - với việc EU luôn bị Pháp và một số nước khác hưởng lợi từ Chính sách Nông nghiệp Chung ép buộc.

Và các nước đang phát triển nghèo hơn ngày càng nghi ngờ việc họ sẽ nhận được nhiều hơn là mất từ một thỏa thuận thương mại, theo một nghiên cứu mới do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.

Các nước đang phát triển như Brazil, nước sẽ được hưởng lợi từ tự do hóa nông nghiệp, cũng không chắc chắn liệu họ muốn chấp nhận rủi ro để mở cửa thị trường của họ hay không.

Nguy cơ thất bại

Thương mại có tiềm năng tạo ra sự khác biệt lớn hơn cho cuộc sống của người nghèo trên thế giới hơn là viện trợ nước ngoài. Và các vòng đàm phán thương mại trong quá khứ là đầu tàu cho sự tăng trưởng của thế giới.

Nhưng việc đạt được các thỏa thuận sẽ trở nên khó khăn hơn kể từ khi vòng đầu tiên bắt đầu năm 1947 với chỉ có 23 nước, phần lớn là các nước bị chiến tranh tàn phá, tham gia.

Giờ đây các vấn đề trở nên phức tạp hơn và nguy cơ thất bại lớn hơn. Hệ thống giao dịch thế giới sẽ không dừng lại nếu quá trình đàm phán thất bại.

Nhưng có một sự lo lắng rằng với việc không có một hệ thống giao dịch đa phương, với các quy định chung cho tất cả, các nước lớn như Anh và EU sẽ ngày càng tìm hướng đi có lợi cho riêng mình.

Họ đã bắt đầu ký các hiệp định thương mại song phương với một số đối tác thương mại nhỏ hơn – nơi mà họ có nhiều lực đòn bẩy hơn để có được những sự nhượng bộ.

HUY CƯỜNG
Theo Theo BBC