"Chúng tôi tiên đoán sẽ nổ ra cuộc cách mạng về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam trong 1 vài năm tới, với sự đổ bộ nhiều nhãn hiệu nước ngoài và lớn mạnh của các franchisee nội địa", Giám đốc Công ty TGA Malaysia, ông Terry Ghani nhận định sáng qua trong hội thảo về đề tài này diễn ra ở TP HCM.
Theo ông Terry Ghani, Việt Nam đang có 12 đặc điểm của một thiên đường marketing nên rất thích hợp với loại hình kinh doanh nhượng quyền thương mại (Franchise). Trong đó yếu tố Việt Nam là thị trường tiềm ẩn của franchise, chính trị ổn định và một thị trường trẻ với đa số người tiêu dùng dưới 30 tuổi, được các nhà kinh doanh nhượng quyền thương mại (Franchisee) thế giới đánh giá cao.
Ông Luke Lim, Giám đốc Công ty A.S Louken của Singapore cũng cho biết, rất nhiều franchisee thành công tại nước này đang có ý định tìm kiếm đối tác Việt Nam để chuyển nhượng (franchising) thương mại. Các thương hiệu lớn như giày thời trang Charles & Keith, Celia Loe, Chapter 2, các nhà kinh doanh thực phẩm nhanh như Bread Talk, Cavana, Koufu..., theo ông Lim, đang ngấp nghé tìm hiểu thị trường Việt Nam để đầu tư.
![]() |
Kinh Đô là 1 trong 3 thương hiệu franchise Việt Nam. Ảnh: P.A. |
Cuối tuần qua, đại diện của tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ, WalMart đã làm việc với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC) về vấn đề hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp của thành phố. Giám đốc ITPC Vũ Kim Hạnh tiết lộ: "Hầu hết sản phẩm mà WalMart quan tâm tìm hiểu lại là những sản phẩm "nóng" của Việt Nam, hiện đang vướng vào các vụ kiện phá giá tại các thị trường nước ngoài".
Trao đổi với VnExpress, ông Hồ Hán Dân, Giám đốc kinh doanh nhượng quyền Công ty cà phê Trung Nguyên cũng dự báo: "Trong năm tới, hoặc chậm nhất là 2 năm nữa, thị trường Việt Nam sẽ bùng nổ loại hình kinh doanh nhượng quyền thương mại với ít nhất 4-5 thương hiệu franchise nội địa mới xuất hiện, bên cạnh sự có mặt của những nhà bán lẻ lớn nước ngoài". Cũng theo ông Dân, vài năm tới loại hình franchise tại Việt Nam không chỉ gói gọn trong ngành thực phẩm như hiện nay mà sẽ trải rộng ra các thương hiệu ở ngành dịch vụ khác như đồ uống, thời trang, siêu thị...
Việt Nam hiện mới có 3 thương hiệu đang được kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại là Kinh Đô, Trung Nguyên và Phở 24. Ngoài ra, có 6 nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam gồm Bourbon Group, Metro Cash & Carry, Lotteria, Parkson, Medicare, KFC. Theo giới kinh doanh, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh thành công ở trong nước và đang có nhu cầu thực hiện franchise, tuy nhiên họ vẫn chưa mạnh dạn tiến hành vì chưa nắm hết những kiến thức cũng như kỹ thuật franchising.
Phó tổng giám đốc Công ty Vifon Nguyễn Văn Bên băn khoăn: "Vifon muốn áp dụng loại hình kinh doanh nhượng quyền nhưng không biết ngành sản xuất mì gói có thể franchise hay không". Còn đại diện Liên minh hợp tác xã TP HCM Saigon Coop thì có nỗi lo toan khác: "Chắc chắn xu hướng sắp tới Saigon Coop sẽ phải chuyển sang kinh doanh theo hình thức franchise nhưng hiện nay chưa nắm vững các kỹ thuật chuyển nhượng, ví dụ như phí franchising được tính như thế nào, nên áp dụng phí trọn gói hay từng phần".
Thất bại của thương hiệu Bon bánh mì khi phải ngưng hoạt động từ đầu năm nay cũng được giới kinh doanh franchise mổ xẻ như một bài học kinh doanh. Theo ông Dân, thất bại của Bon không phải do kỹ thuật franchising mà chủ yếu là vì vấn đề tài chính. Còn Giám đốc Công ty Phở 24 Lý Quý Trung đúc kết thành 4 kinh nghiệm: "Muốn kinh doanh nhượng quyền thành công, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn tin tưởng tuyệt đối mô hình franchise, am hiểu thị trường địa phương, khả năng quản trị điều hành và khả năng tài chính".
Để tạo tiền đề cho việc phát triển thị trường franchise ở trong nước, ITPC đã có kế hoạch phối hợp với Công ty Việt Âu thành lập Câu lạc bộ các doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền thương mại tại Việt Nam. Giám đốc Công ty Việt Âu Đỗ Thị Bích Huệ cho biết, dự kiến câu lạc bộ sẽ ra mắt vào tháng 3 năm sau, trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, thông tin mới về thị trường franchise thế giới... giữa các franchisee tại Việt Nam.
Phan Anh
▪ Hứa an toàn... hão (15/12/2005)
▪ Vàng tụt xuống dưới 1 triệu đồng/chỉ (15/12/2005)
▪ Trái phiếu VCB bán hết vèo trong vài phút (15/12/2005)
▪ TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh xuất khẩu (14/12/2005)
▪ Đấu giá cổ phần Cty khoan & dịch vụ khoan dầu khí (14/12/2005)
▪ Trung tâm Metro đầu tiên tại miền Trung (14/12/2005)
▪ Thay thế côngtơ và hoàn tiền điện ở TPHCM: Phải mất gần 1 năm (14/12/2005)
▪ Lễ hội mua sắm ở TPHCM (14/12/2005)
▪ Dầu khí Việt Nam vươn ra nước ngoài (14/12/2005)
▪ Hai nỗi lo của xuất khẩu Việt Nam (14/12/2005)