Phụ nữ và trẻ em nghèo - nạn nhân của vụ kiện giày da
Các Website khác - 06/05/2006
Một tháng EC áp thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam:
Bài 2: Phụ nữ và trẻ em nghèo - nạn nhân của vụ kiện
Công Thắng

391 DN toàn ngành da giày VN có khoảng 500.000 lao động trực tiếp và khoảng 1 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực phụ trợ. Trong đó có hơn 85% lao động là phụ nữ đã nhiều năm gắn bó với nghề sản xuất giày da cung cấp cho thị trường EU. Bị EC áp thuế chống bán phá giá, sẽ có hàng loạt DN phải đóng cửa. Cả triệu con người sẽ bị mất việc làm, họ sẽ đi đâu, làm gì?

Bị áp đủ thuế chống bán phá giá,
nữ công nhân ngành da giày sẽ bị
thất nghiệp hàng loạt.

Công nhân khổ vì vụ kiện

Chị Trần Thị Hạnh (39 tuổi) có 12 năm làm trong Cty da giày Hải Phòng kể: "Lúc đầu thấy vụ kiện cũng bình thường. Đến nay thì thấy tác hại rất rõ vì việc làm ít đi trông thấy, công nhân phải nghỉ làm nhiều ngày bởi Cty không có việc nên thu nhập giảm rất nhiều".

Những người làm lâu năm trong nghề da giày lương đang từ 700.000 - 1 triệu đồng/tháng, nay thu nhập chỉ còn một nửa, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Chị Đặng Thị Nhiên - công nhân Cty da giày Hải Phòng kể: "Đồng lương công nhân da giày dù chưa cao, nhưng vẫn khá hơn nhiều so với làm ruộng. Hàng ngày phải tiết kiệm để mỗi tháng có hai ba trăm ngàn gửi về nhà giúp gia đình tiền đóng thuế, mua giống cây, phân đạm...".

Sẽ lại chân lấm tay bùn?
Sẽ về đâu, sẽ làm gì khi nhà máy ngừng sản xuất? Trả lời câu hỏi này, chị Nguyễn Thị Thơm ở xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên mới vào làm ở Cty TNHH Sao Vàng (Hải Phòng) 2 tháng kể: "Nếu nhà máy đóng cửa, tôi chỉ còn cách về quê làm ruộng. Mà ruộng lúc này cũng không còn bởi xã đã chia cho người khác sử dụng". Phải trở lại cuộc sống làm ruộng đói nghèo như xưa với mức thu nhập 200.000đ/sào/ năm, đó là ý kiến của hầu hết nữ công nhân ngành da giày khi biết nhà máy sắp phải đóng cửa.

Nếu bị áp thuế mức 16,8% vào thời điểm 15.9.2006, tình hình sẽ ra sao? Lãnh đạo Cty Đỉnh Vàng cho biết: "Sẽ thu hẹp sản xuất còn 1/4 cả về quy mô sản xuất và lao động". Còn ông Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Cty da giày Hải Phòng cho biết: "Cty đã chuẩn bị tinh thần phá sản nếu khách hàng không đặt sản xuất giày da nữa".

Được biết, Cty TNHH Đỉnh Vàng đang có 19.511 công nhân với 88,8% là lao động nữ; Cty da giày Hải Phòng có 10.900 công nhân, với 90% là nữ... Và nếu phải ngừng sản xuất, cả triệu người lao động ngành da giày sẽ phải quay trở lại với cuộc sống đói nghèo. Điều này phá tan thành quả xoá đói giảm nghèo của VN mới đạt được với sự trợ giúp rất lớn của các tổ chức quốc tế mà trong đó EC góp một phần rất lớn.

Hiệp hội Da giày VN trong bản kiến nghị gửi tới EC khẳng định: "Vụ kiện sẽ đẩy hàng trăm ngàn phụ nữ VN quay trở lại cảnh nghèo khổ". Trong bức thư gửi tới EC phản ánh tình trạng khốn khổ do tác động của việc bị EC áp thuế chống bán phá giá, hàng ngàn phụ nữ cùng ký tên, phụ nữ ngành da giày VN đề đạt nguyện vọng: "Chúng tôi cần có việc làm để ổn định đời sống, để thoát đói nghèo. Chúng tôi ước mơ lại có nhiều hàng như mọi năm để được làm việc như trước khi xảy ra vụ kiện". Liệu các quan chức của EC có thấy được nỗi thống khổ của phụ nữ ngành da giày VN?