Mặc dù giá sữa nguyên liệu đang giảm nhưng sữa ngoại nhập khẩu rục rịch tăng giá. Có công ty cũng không... buồn giải thích lý do tăng giá. Trong khi đó, nhiều hãng sữa nội đứng ngoài cuộc của đà tăng giá này.
|
Người tiêu dùng lo âu khi giá sữa ngoại lại rục rịch tăng - Ảnh: THANH ĐẠM |
Trong khi đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về thuế nhập khẩu đối với sữa nhưng không đề xuất tăng thuế đối với sữa bột, chỉ áp dụng với sữa tươi. Thế nhưng, các hãng nhập khẩu sữa bột cứ thoải mái tính toán tăng giá.
“Đón đầu” tăng giá
Không tăng thuế nhập khẩu sữa bột Ngày 18-2, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Chính phủ đề xuất tăng một số mặt hàng sữa nhập khẩu. Cụ thể, các mặt hàng sữa bột của nhóm 04.02 (sữa và kem, cô đặc hoặc đã pha thêm đường hoặc chất ngọt khác) sẽ giữ nguyên mức thuế suất hiện hành (10-15%). Chỉ tăng thuế trở lại với một số mặt hàng thuộc nhóm sữa tươi chưa chế biến hoặc sữa tươi uống liền. Thuế nhập khẩu nhóm 04.01 (sữa và kem chưa cô đặc, chưa pha thêm đường hoặc chất ngọt khác) tăng từ 5% lên 15%. Nhóm hàng 04.02.91 tăng từ 3% lên 10%; nhóm hàng 04.02.99 tăng từ 7% lên 20%. Theo Bộ Tài chính, thị trường sữa VN sẽ ít biến động vì chủ yếu các doanh nghiệp VN nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài chứ không nhập khẩu sữa tươi. |
Dù chưa có văn bản chính thức về tăng giá nhưng thông tin đã được các đại lý nắm rất cặn kẽ. Giám đốc một siêu thị cho biết cũng đã được thông báo giá sữa tăng từ phía nhà phân phối. Theo đó, từ ngày 23-2 các dòng sữa của Abbott tăng bình quân 5-7%, sữa dành cho người tiểu đường lên 5%, các loại còn lại như sữa nhãn hiệu hươu cao cổ, sữa dành cho phụ nữ mang thai... tăng 4%.
Như vậy, người dân phải trả thêm bình quân 12.000-35.000 đồng/hộp. Nhưng từ hơn tuần nay các đại lý đã tăng giá sữa của Abbott lên 2-5% với lý do nhà phân phối cắt giảm chiết khấu và nhập hàng theo giá mới.
Trước đó, các sản phẩm của hãng này đã “đứt” hàng như một động thái chuẩn bị tăng giá bán. Ngoài Abbott, Hãng D cũng đang thay đổi mẫu mã sản phẩm sữa và giá bán tại các đại lý tăng 5.000-10.000 đồng/lon 800g. “Kinh nghiệm cho thấy sau khi đổi mẫu mã, việc tiếp theo là... tăng giá” - một đại lý cho biết.
Một số loại sữa ngoại khác cũng “đón đầu” tăng giá 5.000-7.000 đồng/hộp. Sililac Moom tăng 10.000 đồng/lon 700g, có giá 214.000 đồng/lon; Friso Gold tăng 4.000-5.000 đồng/lon 900g lên mức 340.000 đồng/lon và hiện là hãng sữa có giá cao nhất trên thị trường; Enfa Grow tăng 5.000 đồng lên 223.000 đồng/lon.
Trước thông tin giá sữa tăng, nhiều người dân đã đổ xô mua sữa về trữ. Chị Phạm Ngọc Hà, có con 3 tuổi, cho biết vừa phải mua hộp sữa Enfa cao hơn 5.000 đồng so với hằng ngày nhưng không được người bán cho biết lý do. Việc một số hãng sữa bỗng dưng tăng giá khiến người tiêu dùng không khỏi thắc mắc và bất bình.
Tăng giá vô lý
Theo Bộ NN&PTNT, giá sữa nguyên liệu trên thế giới tiếp tục giảm trong đầu tháng 2-2009. Giá sữa bột gầy tại Úc khoảng 1.900 USD/tấn, giảm 50 USD/tấn so tháng 1-2009. Mức giá sữa nguyên liệu hiện tại thấp nhất kể từ đầu năm 2007 và là tháng thứ 17 liên tiếp sữa nguyên liệu giảm giá sau khi lên đỉnh điểm hồi tháng 11-2007. So với lúc cao điểm, giá sữa nhập hiện nay giảm khoảng 50-60%.
Tăng giá sữa có lý do được nhắc đến nhiều nhất là tăng thuế nhập khẩu, nhưng thực tế vẫn chưa được áp dụng. Các công ty liền “đổ” cho tỉ giá tăng lên... 5%. Thế nhưng, ông Trần Đăng Tuấn, tổng giám đốc Công ty sữa Hà Nội (Hanoimilk), cho rằng nếu so sánh việc tỉ giá tăng với việc các yếu tố đầu vào giảm thì cũng chưa làm tăng giá thành sữa. Giới kinh doanh cho rằng việc tăng giá sữa trong đợt này có phần lợi dụng thông tin tăng thuế gấp mười lần. Việc cứ có yếu tố bất lợi cho mình là doanh nghiệp tìm cách đẩy ngay khó khăn cho người dân, còn khi thuận lợi thì họ im lặng và từ từ... tăng giá.
Theo các chuyên gia trong ngành sữa, các hãng sữa ngoại luôn đạt mức lãi ròng 100-150% trong khi sữa nội chỉ 30-40%. Để đạt mức lợi nhuận đó, các hãng sữa ngoại không ngần ngại tăng giá hằng năm do có được một lượng khách hàng trung thành, thu nhập ổn định và sẵn lòng bỏ thêm tiền để mua dù giá có tăng.
Nhiều hãng sữa không tăng giá
Người tiêu dùng lại lo âu khi giá sữa ngoại rục rịch tăng - Ảnh: T.ĐẠM |
Trái ngược với đà tăng giá của một số hãng sữa, các hãng sữa Vinamilk, Hanoimilk, XO... đều khẳng định chưa có kế hoạch tăng giá sữa trong thời gian sắp tới. Vinamilk cho biết nếu so với giá nhập khẩu, công ty đang phải chịu lỗ sản xuất khi mua sữa tươi trong nước nhưng vẫn tiếp tục giữ giá bán trong thời gian tới. Đại diện nhà phân phối sữa XO (Hàn Quốc) cho biết công ty chưa tăng giá và phía tổng công ty bên Hàn Quốc cũng chưa có thông tin gì về việc thay đổi giá bán tại VN. Ông Trần Đăng Tuấn cũng khẳng định: “Đã có kế hoạch cho cả mùa hè và trong thời gian trên sẽ không tăng giá các sản phẩm của công ty”.
Hiện tại, Mead Johnson đang có chương trình hỗ trợ dành cho người tiêu dùng. Khi mua sản phẩm Enfa, khách hàng có thể tiết kiệm đến 31% chi phí thông qua việc đổi nắp hộp Enfa Grow A+, Enfa Kid A+ loại 900g, hộp giấy 650g hoặc hai hộp 400g, khách hàng sẽ được tặng hộp giấy 200g.
Tại siêu thị, các hãng sữa nội vẫn tiếp tục những chương trình khuyến mãi nhằm chia sẻ những khó khăn với người tiêu dùng. Như tại Big C, sữa bịch Vixumilk 180ml giá 2.500 đồng/bịch (giá chưa khuyến mãi 2.850 đồng/bịch) với số lượng có hạn: 20 sản phẩm/người/ngày; tại siêu thị Co.op Mart mua sữa hộp sẽ được tặng gối ôm hoặc túi xách...
TRẦN MẠNH - NHƯ BÌNH
Có thừa nước đục thả câu? Theo ông Nguyễn Chí Nguyện - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Lương thực TP.HCM (FFA), các hãng sữa chọn đúng thời điểm nhạy cảm này để tăng giá vì họ đang ở thế của kẻ mạnh trong mối tương quan với khách hàng. Ông Nguyện giải thích sau sự cố sữa có melamine hồi năm ngoái và mới đây là sự kiện sữa có độ đạm cực thấp, người tiêu dùng khó khăn hơn trong việc chọn sữa và họ tin vào những hãng sữa lớn. Chính điều này tạo điều kiện cho các công ty sữa lớn tăng giá. Việc Bộ NN&PTNT đề nghị tăng thuế nhập khẩu sữa thời gian vừa qua vô tình tạo cớ để các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình tăng giá. Mặc dù Bộ Tài chính chưa thông qua nhưng trong điều kiện doanh nghiệp đang ở “cửa trên”, thì chỉ cần tin đồn vỉa hè họ cũng có thể lấy lý do đó mà tăng giá bán. |
▪ Mời VIP kích cầu du lịch (21/02/2009)
▪ Bán hàng "kiểu miền Tây" (21/02/2009)
▪ Vietnam Airlines không tăng giá vé máy bay (21/02/2009)
▪ Đã có 150.000 người được cấp mã số thuế (21/02/2009)
▪ Du lịch giảm giá… “hết cỡ”! (21/02/2009)
▪ Tập đoàn điện lực lo mất vai trò độc quyền (21/02/2009)
▪ Tập đoàn điện lực lo mất vai trò độc quyền (21/02/2009)
▪ Nhà xây sai phép tràn lan do luật không nghiêm (21/02/2009)
▪ 'Tập đoàn sử dụng vốn không hiệu quả, sếp nên trả lại chức' (21/02/2009)
▪ Kẻ khóc người cười trên sàn vàng (21/02/2009)