Tăng giá điện: Phải lấy ý kiến rộng rãi người tiêu dùng
Các Website khác - 19/11/2005
EVN đề xuất 5 phương án tăng giá điện:
Phải lấy ý kiến rộng rãi người tiêu dùng

Mặc dù cả 5 phương án tăng giá điện do TCty Điện lực VN (EVN) đưa ra đều được tính toán, nâng lên đặt xuống rất kỹ lưỡng, nhưng cuộc họp của các chuyên gia liên ngành ngày 17.11 vừa qua cũng chưa chọn lựa được phương án cuối cùng. Tuy nhiên, phương án nào thì giới tiêu dùng (bao gồm các nhà sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các hộ tiêu dùng...) cũng không tránh khỏi bị tác động. PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi nhanh với một số chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng điện trước sự kiện này.

Anh Phùng Anh Tuấn (Hà Nội): Lợi thế cạnh tranh của các DN Việt Nam sẽ giảm đáng kể.
Nếu giá điện tăng, các DN chắc chắn sẽ tăng giá sản phẩm. Trong khi các DN lại đang tìm mọi cách để lấy lợi thế về giá, thì tăng giá điện là làm cho nỗ lực của họ càng khó khăn hơn.

Bà Dương Nữ (TPHCM): Giá điện sinh hoạt tăng bình quân 23% là quá cao.
Trung bình gia đình tôi (6 người) sử dụng mỗi tháng khoảng 120 - 150kWh (100.000 đồng/tháng). Nếu áp dụng theo phương án giá điện sinh hoạt tăng bình quân 23% là quá cao so với gia đình tôi. Đã vậy, phương án chia ra thành 2 nấc: Sử dụng 50kWh đầu giá 600 đồng, 50kWh kế tiếp giá 850 đồng là chưa hợp lý. Theo tôi, ngành điện không nên chia nhỏ như vậy, mà tính 100kWh đầu giá 600 đồng/kWh, sau đó vượt 100kWh sẽ tính giá cao hơn.

Ông Trần Trọng Huệ - Phó GĐ Cty chiếu sáng công cộng TPHCM: Gánh nặng thêm cho ngân sách.
Với khoảng 174.000 bộ đèn chiếu sáng công cộng trên toàn địa bàn thành phố hiện nay, mỗi tháng số tiền ngân sách thành phố phải trả cho ngành điện khoảng 10 tỉ đồng. Sắp tới, giá điện tăng, chắc chắn gánh nặng cho ngân sách sẽ tăng theo.

Tôi cho rằng, phương án tăng giá điện bình quân 15% là tương đối cao. Mặc dù có tính đến việc khuyến khích sản xuất, nhưng giá điện dự kiến điều chỉnh lại "đánh" thẳng vào đối tượng sử dụng điện sinh hoạt.

Trong bối cảnh giá cả hiện nay đang biến động khá phức tạp, việc điều chỉnh giá điện cần được xem xét thận trọng hơn. Nhưng điều quan trọng là cơ sở tăng giá điện lại chưa được làm rõ. Theo các chuyên gia, với mức giá như hiện nay, ngành điện đã có lãi và việc tăng giá chỉ là để đáp ứng các yêu cầu về tái đầu tư của ngành điện theo lộ trình mà ngành này đã vạch ra.

Điện là một ngành độc quyền, vì thế, khi xem xét tăng giá, nhất thiết phải có ý kiến của người tiêu dùng và các tổ chức đoàn thể, chứ không chỉ những người bán điện họp với nhau. Thực tế cho thấy, những sai phạm do độc quyền đã xảy ra trong ngành điện thời gian qua và lần này càng cần thận trọng và giám sát chặt chẽ để tránh "hậu hoạ".

Ông Ngô Trí Long - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)


Bà Mạc Kim Thuỳ Hương - phụ trách tiếp thị - đối ngoại khách sạn Rex - TPHCM: Giá dịch vụ sẽ tăng theo.
Hiện nay giá điện khối dịch vụ nhà hàng, khách sạn phải trả trung bình 1.600 đồng/kWh (giá giờ thấp điểm là 790 đồng, giờ cao điểm 2.190 đồng/kWh, chưa thuế). Nếu giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả nhiều hoạt động của khách sạn - nhà hàng như giá thuê phòng khách sạn (chủ yếu do tiêu thụ điện cho máy điều hoà không khí), giá ẩm thực, dịch vụ giặt ủi cũng phải điều chỉnh...

Ông Nguyễn Mạnh Đức - Giám đốc Cty TNHH Đông Giao (TPHCM): Suy xét thời điểm tăng giá.
Tôi chia sẻ với ngành điện, nhưng tăng thế nào, vào lúc nào là hợp lý? Nếu tăng giá điện vào thời điểm giá cả mọi thứ từ xăng dầu, thực phẩm, cho đến chi phí vận tải đã và đang tăng lớn như hiện nay, khác nào "đổ dầu vào lửa"?

Ông Dương Quang Tiến (TP.Huế): Đi xe đạp, ăn chay, thắp đèn dầu may ra mới sống nổi.
Sáng nay đọc báo, lại thấy bảo giá điện sinh hoạt bình quân sắp tăng thêm 23,1%, đọc mà không tin vào mắt mình. Giá cả cứ đua nhau tăng vùn vụt thế này, làm công chức bình thường như gia đình tôi chỉ có nước... đi xe đạp, ăn chay và thắp đèn dầu thì may ra mới đủ tiền để chi phí cho cuộc sống hàng ngày.

DN nhà nước: Cắn răng chịu đựng

Đối với các sản phẩm hoá chất của TCty Hoá chất VN (Vinachem), theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Sỹ thì giá điện tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành. Bởi điện chiếm bình quân 30-40% chi phí sản xuất các sản phẩm của TCty.

Xét về quan hệ phụ thuộc, sản phẩm của đơn vị này là chi phí đầu vào của DN kia thì TCty Than Việt Nam (Vinacoal) và TCty Điện lực VN có quan hệ rất khăng khít, phụ thuộc lớn vào nhau. Điện chiếm khoảng 37-40% chi phí sản xuất nên theo Vinacoal, điện tăng giá là một thách thức đối với toàn ngành.

Ở một số TCty nhà nước khác có tổng doanh thu hàng chục ngàn tỉ đồng/năm như TCty Ximăng VN (VNCC); TCty Thép; TCty Dệt may (Vinatex) cũng trong hoàn cảnh tương tự. "Ngành thép sử dụng khoảng 5,5 tỉ kWh/năm nên điện tăng 100 đồng/kWh thì chi phí của chúng tôi đã đội lên 560 tỉ đồng/năm" - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép VN Phạm Chí Cường nói.

Nhưng, nói như Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân thì khi Chính phủ đã phải quyết định tăng giá điện thì DN phải cắn răng mà chịu và tìm cách tốt nhất để vượt khó. Công Thắng


Nhóm phóng viên KT-XH