Thị trường BĐS dự báo tiếp tục khó khăn
Các Website khác - 13/10/2008

Chính sách thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) vừa qua đã khiến các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Sự khó khăn ấy được dự báo là sẽ tiếp tục sau khi Chính phủ chỉ đạo tăng cường hơn nữa kiểm soát đối với hoạt động cho vay BĐS.

Thị trường gần như “đóng băng”

Không khó để nhận ra rằng, đây đang là thời điểm “vàng” để những người thực sự có nhu cầu về nhà ở bỏ tiền ra mua. Họ có thể dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm hơn do thị trường giờ đây không còn bị thồi phồng lên do tình trạng đầu cơ như trong vài năm trước.

Không những thế, người mua còn có nhiều cơ hội để lựa chọn và mặc cả do các doanh nghiệp và chủ đầu tư rất cần thu vốn.

Nhưng trên thực tế thì sao? Các giao dịch BĐS trong thời gian qua đã giảm sút một cách nghiêm trọng bởi phần lớn người có nhu cầu mua nhà và doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để có thể mua các sản phẩm bất động sản. Vì vậy, dù giá bất động sản đã thấp hơn rất nhiều so 1 - 2 năm trước đây song tình hình cũng không mấy sáng sủa.

Ông Vũ Quốc Thái, Giám đốc nghiên cứu Công ty Tư vấn bất động sản VietRees nhận định: "Tình hình thị trường bất động sản hiện nay cho thấy các giao dịch gần như “đóng băng”. Điều này xuất phát từ lý do ngân hàng siết chặt cho vay tín dụng, lãi suất ngân hàng cao và các chính sách quản lý nhà nước chưa thật sự hoàn chỉnh”.

Nói đến cơ chế chính sách, ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Thanh Bình cho biết: "Đối với doanh nghiệp làm một dự án cấp phép đầu tư, cấp giấy tờ để triển khai dự án là rất khó, trung bình mất từ 3 - 5 năm. Cơ chế chính sách hiện nay đã khiến thị trường bất động sản bị chững lại”.

Nhiều dự án BĐS phải đắp chiếu. (Ảnh minh hoạ)

Và thực tế đã chứng minh rằng, hàng loạt các dự án trong thời gian vừa qua đã bị trì hoãn và chậm tiến độ do các doanh nghiệp thiếu vốn. Tình hình đó, về lâu dài sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Nhu cầu nhà ở của người dân tại các đô thị Việt Nam trong hiện tại và tương lai là rất lớn. Hiện nay, nhà ở đô thị mới đạt 11 m2/người, chúng ta phấn đấu đến 2011 khoảng 14 m²/người, ở các đô thị nước ta hiện có 22 triệu người, nếu cứ tăng thêm 1 m²/người thì phải có thêm 22 triệu m² sàn.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc dự án càng chậm tiến độ thì mục tiêu đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân càng khó thực hiện.

Tiếp tục đối mặt với khó khăn

Trong bối cảnh hiện nay chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mới không bị ảnh hưởng nhiều. Một phần lớn các doanh nghiệp vẫn mong muốn và cố gắng cầm cự để tiếp tục giữ chân trong lĩnh vực này nhưng thay vì tự thân vận động các đơn vị này chuyển sang hình thức liên doanh, kêu gọi hợp tác, đầu tư, liên kết. Đây là một cách làm đang rất được khuyến khích song không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội để làm điều đó.

Việc huy động vốn từ người mua cũng được tính đến, tuy nhiên, do quy định chỉ được huy động vốn sau khi đã hoàn thành phần móng đã khiến các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn.

Cho dù vậy, một số chuyên gia kinh tế vẫn dự báo, thị trường BĐS sẽ bình ổn trở lại vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Song mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ ngành về việc thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đối với nền kinh tế nước ta.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại các khoản cho vay đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có bất động sản, tăng cường hơn nữa kiểm soát và phòng ngừa rủi ro đối với hoạt động cho vay bất động sản.

Các ngân hàng thương mại cần xác định cụ thể những dự án, công trình không có hiệu quả để dừng, có biện pháp quản lý, thu nợ hoặc áp dụng biện pháp thích hợp để tiếp tục cho vay nhằm thúc đẩy hoạt động lành mạnh ở lĩnh vực này.

Như vậy thì rõ ràng, trong tương lai gần, các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS cũng không mong nhận được sự hỗ trợ nhiều về vốn từ phía các ngân hàng. Theo nhận định của một chủ thầu xây dựng của một tổng công ty lớn ở Hà Nội, chỉ những doanh nghiệp lớn, những công ty có uy tín mới có thể vay được từ ngân hàng.

Tuy nhiên, với lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng không đáng kể như hiện nay thì đa số các nhà kinh doanh BĐS không dám vay ngân hàng, còn với các chủ thầu xây dựng thì chỉ trong trường hợp thật cần thiết mới dám vay, chẳng hạn như bị sức ép về thời gian, áp lực, buộc phải gấp rút hoàn thành tiến độ nếu không sẽ bị phạt…

Xin được nói thêm, theo các quy định trong lĩnh vực xây dựng, các nhà thầu được tính lãi suất đối với chủ đầu tư nhưng trên thực tế, ít nhà đầu tư chịu chi trả lãi suất vay. Mà trong thời điểm lãi suất cao như hiện nay thì điều đó càng khó xảy ra.

Việc Chính phủ duy trì các chính sách thắt chặt quản lý thị trường này cũng có nghĩa là người có nhu cầu mua nhà chắc chắn không dễ dàng tiếp cận vốn vay. Và thị trường BĐS tiếp tục được dự báo sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Theo Lan Hương