Thị trường dệt may Nhật cần các đơn hàng nhỏ lẻ
Các Website khác - 17/02/2006

Ông Junichi Onikubo, Trưởng đại diện Tập đoàn thương mại Itochu (Nhật Bản) tại TP HCM cho biết, hiện nay các nhà nhập khẩu dệt may của Nhật có xu hướng thích làm những đơn hàng giá trị nhỏ. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ của VN nếu đáp ứng được yêu cầu khách hàng.

Theo Junichi, trước đây nhà nhập khẩu hàng dệt may của Nhật luôn đưa ra những hợp đồng giá trị lớn. Họ cho rằng chỉ có các nhà sản xuất quy mô mới cho ra đời những loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ của VN mất đơn hàng. Phần lớn, do các doanh nghiệp này không đủ vốn và quy mô nhà xưởng nhỏ.

Khách hàng Nhật Bản thích sự tỉ mỉ của lao động dệt may Việt Nam. Ảnh: T.V.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà nhập khẩu Nhật đã có cách nhìn thoáng hơn, không phân biệt về quy mô sản xuất của doanh nghiệp. Họ đã đưa ra nhiều đơn hàng nhỏ lẻ, nhằm giúp các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Nhật Bản, miễn là đảm bảo tốt tiêu chiểu về chất lượng hàng hóa.

Cũng theo Junichi, xu hướng của người tiêu dùng Nhật ngày càng thích sử dụng sản phẩm may mặc nhập khẩu từ VN. Lý do, giá cả tương đối và nhất là về kỹ thuật sản xuất luôn đảm bảo. Đây chính là thế mạnh của các doanh nghiệp dệt may VN. Vì thế, các nhà sản xuất cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường phi quota này.

Trao đổi với VnExpress, một số doanh nghiệp dệt may VN cũng đánh giá cao về thị trường Nhật Bản. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn 3 cho biết, đối với khách hàng Nhật, khi mới làm đơn hàng đầu tiên doanh nghiệp cảm thấy hơi khó, vì yêu cầu của họ rất cao về kỹ thuật và tính chính xác trong việc giao hàng. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đã tạo được mối quan hệ và làm tốt một, hai đơn hàng đầu tiên thì sau đó mọi việc diễn ra rất dễ dàng. Đặc biệt, khách hàng Nhật đang có chiều hướng thích làm các đơn hàng bán thành phẩm (FOB). Nếu các doanh nghiệp dệt may đáp ứng được yêu cầu sẽ rất thành công.

Chủ tịch hiệp hội Dệt may và Thêu đan TP HCM (Agtek) Nguyễn Đức Hoan cũng cho rằng, Nhật Bản là thị trường đầy hứa hẹn cho ngành may VN. Đáng chú ý hơn, người Nhật rất thích kỹ thuật sản xuất tỉ mỉ của lao động VN. Tuy dệt may VN không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc về giá nhưng sản phẩm may mặc VN lại chiếm được ưu thế trong lòng người tiêu dùng Nhật. Theo ông Hoan, hiện có rất nhiều thành viên của Agtek đã đưa hàng vào thị trường này nhưng chủ yếu là các đơn vị có quy mô sản xuất tương đối. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến khâu sản xuất và chất lượng hàng hóa, nhằm giữ uy tín với khách hàng và thành công hơn trong xuất khẩu.

Nguyễn Thùy