Mọi trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện, bên bán điện phải thông báo cho bên mua trước 5 ngày gồm địa điểm, lý do, thời gian bắt đầu ngừng cấp điện cũng như thời điểm dự kiến đóng điện trở lại.
![]() |
Báo trước lịch cắt điện, khách hàng chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh. Ảnh: A.T. |
Quyết định 39 về điều kiện, trình tự và thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện vừa được Bộ Công nghiệp ban hành còn nêu rõ thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc bằng văn bản, điện báo, điện thoại, fax, thư điện tử (e-mail) do hai bên thỏa thuận.
Đối với các trường hợp do có sự cố xảy ra trong hệ thống điện, do sự kiện bất khả kháng thì bên bán có quyền ngừng, giảm mức cung cấp điện mà không cần phải thông báo trước.
Bên mua điện có yêu cầu thay đổi thời gian ngừng, giảm mức cung cấp điện phải trao đổi với bên bán điện trước thời điểm thực hiện ít nhất 48 giờ. Nếu việc ngừng, giảm cung cấp điện không thể trì hoãn, bên bán vẫn được ngừng, giảm mức cung cấp điện theo kế hoạch nhưng phải thông báo lại cho bên mua trước 24 giờ so với thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện đã thông báo.
Trường hợp chấp nhận thay đổi thời gian hoặc hoãn ngừng, giảm cung cấp điện, bên bán phải báo cho bên mua trước 24 giờ so với thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện đã thông báo.
Bên bán phải cấp điện trở lại theo đúng thời hạn đã thông báo. Trường hợp thời hạn cấp điện trở lại bị chậm so với thời hạn đã thông báo từ 1 giờ trở lên, bên bán phải thông báo bằng điện thoại cho khách hàng sử dụng điện trung bình trên 100.000 kWh/tháng và khách hàng sử dụng điện quan trọng biết thời gian cấp điện trở lại.
Theo Bộ Công nghiệp, quy định này sẽ tạo thuận lợi cho các hộ sử dụng điện chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh năm 2006 được nhận định là có khả năng thiếu điện trầm trọng hơn 2005.
Tại hội nghị toàn ngành điện diễn ra hôm 10/1 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết ngành điện phải đạt tốc độ tăng trưởng 17%/năm. Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ sẽ cho phép ngành điện đầu tư xây dựng 14 trung tâm, cụm điện lớn.
Để khắc phục tình trạng thiếu điện, EVN đặt mục tiêu trong năm 2006 sản xuất đạt khoảng 51 tỷ kWh điện thương phẩm và kết hợp với điện mua thêm bên ngoài hệ thống của EVN để đạt 59 tỷ kWh phục vụ sản xuất. Tổng giám đốc EVN Đào Văn Hưng cho biết, ngành điện sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tiết kiệm điện, trong đó kế hoạch tiết giảm 50% điện chiếu sáng công cộng và 10% điện tiêu thụ ở các công sở.
Việt Phong
▪ Năm 2005, Vinatex đạt mức tăng trưởng 13,3% (10/01/2006)
▪ VN là nhà phát hành trái phiếu quốc tế thành công nhất năm 2005 (10/01/2006)
▪ Phú Yên: Khởi công xây dựng cầu Hùng Vương (11/01/2006)
▪ Tin kinh tế ngày 11.1 (11/01/2006)
▪ Sẽ có thêm 2 đầu số mới cho VinaPhone và MobiFone (11/01/2006)
▪ 14.300 lượt hộ nghèo được vay vốn sản xuất (11/01/2006)
▪ "Cuộc chiến" giá ôtô bắt đầu (11/01/2006)
▪ Sức mua xe máy tăng 30% khiến hút hàng (11/01/2006)
▪ Mở rộng vùng nguyên liệu sạch (11/01/2006)
▪ Thái-lan và mỹ thỏa thuận cắt giảm thuế 204 mặt hàng (10/01/2006)