Lượng hàng hoá về các chợ đầu mối nông sản thực phẩm đang dồi dào hơn trước, giá cả cũng ổn định hơn, không còn nóng, lạnh bất thường.
Tại chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Thủ Đức) lượng hàng về chợ bình quân đạt 1.400-1.500 tấn/đêm, trong đó riêng rau, củ, quả là 600-700 tấn. Giá khoai tây Đà Lạt bán ra hiện nay là 5.500 đồng/kg, giảm 500 đồng so với tháng trước. Bên cạnh đó, các loại khác như, đậu que, xà lách búp, hàng tây, bắp cải cũng giảm trên dưới 5.000 đồng/kg.
Giá các loại thủy hải sản tươi sống cũng ổn định hơn. Tại chợ đầu mối thủy sản Chánh Hưng, quận 8, TP HCM, giá mực, tôm, cua, cá biển đều giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg so với tháng 2. Tôm sú khoảng 130.000 đồng/kg, mực loại ngon là 70.000-80.000 đồng/kg. Các loại cá nước ngọt giảm trên dưới 1.500 đồng/kg, cá lóc chỉ còn 19.000 đồng đến 21.000 đồng/kg, tùy từng loại lớn nhỏ, điêu hồng 20.000 đồng...
Giá các loại rau quả bán ra trên thị trường đã ôn định. Ảnh: T.V. |
Tại chợ đầu mối Phạm Văn Hai, hàng về chợ bình quân 140 tấn/đêm, không tăng giảm so với tháng trước. Giá bán sỉ thịt loại ngoan chỉ trên dưới 24.000 đồng/kg. Thịt lợn đùi tại các chợ lẻ 38.000 đồng/kg, giảm hơn 2.000 đồng so với ba tuần trước. Thịt nạc 42.000 đồng/kg, trong khi tháng trước là 45.000 đồng. Thịt bò vẫn giữ nguyên giá bán, khoảng 90.000-110.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được áp dụng trong hệ thống các siêu thị như Citimart, Coop mart cùng với nhiều cửa hàng bán lẻ thực phẩm tươi sống.
Duy chỉ có thịt gà giá vẫn ở mức cao, do nguồn hàng còn khan hiếm. Tại hệ thống Citimart, hiện giá gà ta bán ra là 96.000 đồng/kg, gà công nghiệp của Phú An Sinh 72.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Tam Bình (TP HCM) cho biết, so với tháng trước, giá nông sản ổn định do các thương lái đã hoạt động trở lại bình thường. Hàng hóa về chợ dồi dào từ đó cũng giảm theo. Tuy nhiên, theo bà Hà nếu trong thời gian tới, khi Chính phủ quyết định tăng giá điện chắc chắn giá bán nhiều mặt hàng nông sản sẽ khó giữ nguyên mức cũ. "Hàng nông sản thường sử dụng điện để sấy, ướp lạnh... Lúc này, tiểu thương sẽ cộng các chi phí phụ trội vào giá hàng hóa nên khó tránh được việc tăng giá bán ra", bà Hà giải thích.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Hùng, Phó trưởng Ban quản lý chợ An Lạc cho hay, sức tiêu thụ đã bình ổn thì giá bán khó có thể tăng. Mặt khác thời gian này cá đồng đang tràn về chợ, giá rẻ nên người tiêu dùng thành thị muốn đổi khẩu vị để phần nào tránh các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ trong mùa nắng nóng.
Theo ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, giá thịt lợn sẽ ổn định từ nay đến hết tháng 6. Bây giờ đang là mùa khô nên rất thuận tiện cho việc chăn nuôi của bà con nông dân, nhất là khu vực miền Tây. Tuy nhiên, đối với hàng nông sản, giá bán có khả năng tăng khi thời tiết quá nắng, nóng trong mùa khô này.
Nguyễn Thùy
▪ Quý I: Giá trị sản xuất công nghiệp giảm 0,8% so với chỉ tiêu kế hoạch (28/03/2006)
▪ Hải Phòng: Buộc tái xuất chất thải công nghiệp trong vòng 15 ngày (28/03/2006)
▪ Lâm Đồng: Dịch hại trên cây trồng có nguy cơ bùng phát (28/03/2006)
▪ Đường sắt Hà Nội nâng cao chất lượng phục vụ hành khách (28/03/2006)
▪ Sốt sắng làm theo lệnh giả (28/03/2006)
▪ Tháng khuyến mãi tại TPHCM: Vẫn chưa như mong đợi (28/03/2006)
▪ Năm 2006: Hà Nội sẽ tiến hành sắp xếp, cổ phần hoá 43 DN (28/03/2006)
▪ Bằng mười hại nhau! (28/03/2006)
▪ Cà phê liên tục rớt giá (28/03/2006)
▪ Khách du lịch đường biển đến VN tăng mạnh (27/03/2006)