Tìm hướng đi cho hàng thủ công mỹ nghệ vào Mỹ
Các Website khác - 20/11/2005
Doanh nghiệp tư nhân Cổ Kim Mỹ Nghệ làm thuyền buồm mỹ nghệ xuất khẩu sang châu Âu Ảnh: H.THÚY
Cập nhật xu hướng thời trang để đẩy mạnh hàng thủ công mỹ nghệ VN vào Mỹ. Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới đối với hàng thủ công mỹ nghệ và cũng là thị trường lớn nhất của VN trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng VN vào Mỹ còn rất nhỏ và có xu hướng giảm sút trong thời gian gần đây. Nếu như năm 2004, VN chiếm 0,36 thị phần hàng thủ công mỹ nghệ tại Mỹ thì năm 2005 chỉ còn 0,35.

Thị hiếu tiêu dùng... yếu tố quyết định

Theo nhận định của Bộ Thương mại, điểm yếu của hàng thủ công mỹ nghệ VN tại thị trường Hoa Kỳ là vấn đề mẫu mã. Mẫu mã hiện nay của các doanh nghiệp (DN) VN chưa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ. Những hoa văn, mẫu mã của chúng ta thường nhấn mạnh tính dân tộc hoặc văn hóa của sản phẩm. Những đặc tính này có thể rất có ý nghĩa với người tiêu dùng trong nước nhưng khi xuất khẩu ra nước ngoài thì ngược lại. Chính vì vậy, để có thể thâm nhập vào thị trường Mỹ, các nhà nghiên cứu cho rằng, nhà sản xuất phải nghiên cứu các giá trị nghệ thuật, đặc tính văn hóa, thị hiếu của các dân tộc sống ở Mỹ rồi lồng vào sản phẩm. Một nghiên cứu cho thấy, yếu tố quan trọng nhất trong thị hiếu tiêu dùng của người Mỹ đối với hàng thủ công mỹ nghệ là thời trang và thời trang đối với thị trường này thay đổi rất nhanh, thường vào tháng 1 và tháng 7 hằng năm. Đây cũng là thời điểm diễn ra hàng loạt các hội chợ, DN muốn biết xu hướng thời trang của năm thì hội chợ là nơi thể hiện rõ nhất.

Theo bà Becky Boswel Smith, Tổng Biên tập tạp chí Home Accents Today (Mỹ), xu hướng mới trong tiêu dùng hàng thủ công mỹ nghệ của Mỹ là thủy tinh nghệ thuật. Đây là một thể loại đang phát triển, được sử dụng làm các chân đèn trong thời gian gần đây cho thị trường trung và cao cấp. Người Mỹ rất thích tông màu đỏ và màu đỏ đã trở thành màu cơ bản trong thiết kế của người Mỹ. Cũng theo bà Smith, “gu” của người Mỹ đối với hàng thủ công mỹ nghệ hiện nay là sự pha trộn, pha trộn về nguyên vật liệu, về phong cách, về kiểu dáng... Đơn cử như một kiểu dáng đèn truyền thống mang tên Bình Gừng được người Mỹ ưa chuộng trong một thời gian rất dài mang phong cách Á Đông, với kiểu dáng mảnh mai ở phần chân đèn được pha trộn giữa chất liệu vàng và đồng làm nổi bật lên vẻ đẹp của chiếc đèn.

Đi đường nào vào Mỹ?

Cũng như nhiều mặt hàng chủ lực khác, tại thị trường Mỹ, hàng thủ công mỹ nghệ VN cũng gặp khó khăn bởi sự bành trướng của “người khổng lồ” Trung Quốc. Nguồn cung cấp chính các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng như hàng mây tre lá, hàng thêu... cho thị trường Mỹ hiện nay đều từ Trung Quốc. Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh mà VN đang cố gắng đưa vào thị trường này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, VN khó có thể cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc cả về giá cả lẫn chất lượng. Con đường mà VN nên chọn là chuyển hướng sang các sản phẩm tinh xảo, có mẫu mã độc đáo phù hợp với thị trường và bắt đầu bằng việc đi vào các “ngách” của thị trường Hoa Kỳ. Đây cũng là cách mà Thái Lan đã làm khi đối mặt với Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các sản phẩm mà Trung Quốc không xuất nhiều như hàng sơn mài, đây là mặt hàng VN có thể thâm nhập nếu có mẫu mã phù hợp với thị trường. Lựa chọn kênh phân phối cũng là yếu tố quan trọng để thâm nhập thị trường này. Hiện tại, có 2 kênh chính trong hệ thống phân phối hàng thủ công mỹ nghệ vào Mỹ là mạng lưới bán buôn và hệ thống các cửa hàng nhỏ. Mạng lưới bán buôn bao gồm các nhà nhập khẩu lớn như Macy, Bloomingdele, Bed, Bath & Beyond... đây là đầu mối phân phối hàng hóa vào thị trường Mỹ. Kênh phân phối thứ 2 là kênh phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng, đối với các cửa hàng này, DN xuất khẩu nước ngoài thường không trực tiếp giao dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, DN VN cần đặc biệt quan tâm đến các nhà bán lẻ bởi họ thường xuyên tham gia các hội chợ và nhu cầu của họ thể hiện trực tiếp thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ. Nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng của người dân Mỹ, hàng thủ công mỹ nghệ VN sẽ tìm được chỗ đứng ở thị trường tiềm năng nhưng khó tính này.

Hà Khanh