TP HCM đang từng bước định hướng ngành tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm thành một trong 9 ngành dịch vụ sẽ được ưu tiên đầu tư trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010. Các chuyên gia ngành tài chính ngân hàng trao đổi với báo giới.
![]() |
Ông Trần Đắc Sinh |
Ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM: Những năm tới, vốn cho nền kinh tế nói chung và tăng trưởng của TP HCM nói riêng phải dựa vào thị trường chứng khoán (TTCK). Ở các nước, những địa phương có đặt trụ sở sở giao dịch chứng khoán đều tìm mọi cách để khai thác tối đa lợi thế của mình.
Khi TTCK phát triển, địa phương đó tùy mức độ có thể trở thành trung tâm tài chính của cả nước hay khu vực. TP HCM, nơi đặt TTCK tập trung duy nhất của cả nước (sau này sẽ được chuyển đổi thành sở giao dịch chứng khoán), cũng có mục tiêu này nhưng lại chưa khai thác hết lợi thế.
Các doanh nghiệp Nhà nước của TP HCM cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM chưa nhiều. Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở TP HCM diễn ra còn chậm và không gắn kết cổ phần hóa với niêm yết cổ phiếu tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán.
Nền kinh tế VN nói chung và kinh tế TP HCM nói riêng vẫn còn quen với quán tính vay mượn. Những năm tới, TP HCM đặt ra tăng trưởng GDP bình quân trên 12% năm, hệ thống ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vốn, doanh nghiệp phải huy động trên TTCK. Khi đó nền kinh tế cổ phần, cổ phiếu sẽ được hình thành rõ nét hơn.
Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM: Dịch vụ tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chỉ phát triển nếu chúng ta xây dựng được một hệ thống các ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng cổ phần mạnh, để phát triển nhiều dịch vụ tài chính cao cấp, hình thành các định chế tài chính (công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, công ty quản lý quĩ đầu tư...). Mục tiêu nhằm phát triển thị trường tài chính và phục vụ trở lại thị trường vốn hiện đang trong giai đoạn phát triển mạnh.Ông Trần Ngọc Minh.
Cách nay hơn ba năm, VN chỉ có những ngân hàng cổ phần vốn vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Nhưng hai năm gần đây hệ thống ngân hàng cổ phần đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Các ngân hàng ở TP HCM đang “củng cố” sân nhà, đón nhận quá trình hội nhập, sau đó là những bước đi xa hơn. Không ít ngân hàng đang tính sẽ mở rộng mạng lưới ra các nước xung quanh và hiện đang chuẩn bị cho quá trình này.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Đông Á: Chỉ cần 3 triệu người ở TP HCM sử dụng dịch vụ ngân hàng, mọi khoản thu nhập, giao dịch của người dân đều thông qua ngân hàng sẽ tạo ra một lượng vốn khổng lồ đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Đồng thời sẽ tạo ra một giá trị dịch vụ khổng lồ, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP. Các ngân hàng đang đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới các chi nhánh ngân hàng, không chỉ ở phường mà cả ở xã.Ông Trần Phương Bình.
Trong năm năm tới, số lượng chi nhánh ngân hàng ở TP HCM phải tăng gấp ba lần so với hiện nay thì mới đưa được dịch vụ ngân hàng về với dân. Vậy tại sao TP HCM không chọn tài chính - ngân hàng làm “sản phẩm” chủ lực để có hướng đầu tư thích đáng?
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín: Sắp tới ngân hàng không còn lấy chỉ tiêu tăng trưởng huy động vốn tiết kiệm làm thước đo phát triển vì thay đổi mục tiêu hoạt động, từ cung ứng tín dụng sang cung cấp các loại dịch vụ, trong đó chủ yếu là dịch vụ thanh toán. Ngân hàng phải phủ sóng dịch vụ như sóng truyền hình. Làm sao để người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng dễ dàng, thuận tiện như xem tivi.Ông Đặng Văn Thành.
Việc điều chỉnh mục tiêu hoạt động này sẽ thay đổi hoàn toàn phong cách phục vụ của ngân hàng. Ngân hàng sẽ tham gia nhiều hơn vào cuộc sống của người dân, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt, tích lũy, đầu tư của cá nhân. Làm được việc này, các ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn giá rẻ phục vụ trở lại nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Khai mạc lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột (03/12/2005)
▪ TP HCM có thêm nhiều doanh nghiệp mới (03/12/2005)
▪ Có thêm 1 chuyến bay từ Nga về VN ngày 29/12 (03/12/2005)
▪ Thị trường bất động sản "đóng băng": Coi chừng hậu quả! (02/12/2005)
▪ Biến động giá vàng: "Cuộc chơi" của các nhà đầu cơ (02/12/2005)
▪ Da giày Việt Nam có nguy cơ bị EU áp thuế 130% (02/12/2005)
▪ Các doanh nghiệp da giày VN cần bình tĩnh đưa ra chứng lý (03/12/2005)
▪ Khởi công xây dựng tuyến cáp treo ra đảo Hòn Tre (03/12/2005)
▪ Vàng trở lại 954.000đ/chỉ (03/12/2005)
▪ Mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi (03/12/2005)