Việt Nam có thấy bài học từ Hồng Kông?
Các Website khác - 15/08/2005
Dự án Cải cách quản lý tài chính công (TABMIS):
Việt Nam có thấy bài học từ Hồng Kông?
Huy Bình

Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin liên tục đăng tải nhiều bài viết xung quanh việc "đổ vỡ" dự án "Xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc" của Kho bạc Hồng Kông (KBHK), do Tập đoàn IBM thực hiện. Sự kiện này đang thu hút quan tâm của dư luận, bởi ở VN cũng đang có dự án tương tự, và cũng chính IBM là một đối tác có thể được thực hiện dự án này.

"Gương" từ Hồng Kông...
Báo South China Morning Post, của Hồng Kông ra ngày 6.6.2005 đưa tin, chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng "Xây dựng hệ thống quản lý thông tin" trị giá 350 triệu HKD với tập đoàn IBM của Mỹ. Được biết, năm 2003 chi nhánh IBM tại Hồng Kông đã ký hợp đồng trang bị hệ thống thông tin nêu trên, giúp Kho bạc Nhà nước Trung Quốc thiết kế, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý tài chính và thông tin trực tuyến kết nối khoảng 5.400 người sử dụng.

Theo kế hoạch: Giai đoạn một của dự án sẽ hoàn thành vào ngày 1.4.2005, giai đoạn hai sẽ kết thúc một năm sau đó và toàn bộ dự án được hoàn thành vào năm 2007. Nhưng tiến độ này không được thực hiện dẫn tới việc phải huỷ bỏ dự án. Về nguyên nhân của sự "đổ vỡ" nói trên, phía KBHK khẳng định: "IBM đã không thực hiện được theo đúng cam kết". Và để đối phó với việc phải huỷ hợp đồng nêu trên, KBHK phải tính đến phương án tiếp tục sử dụng lại hệ thống hiện tại để tránh sự gián đoạn.

... có là bài học cho VN?
Theo các chuyên gia, dự án nêu trên của KBHK có nhiều điểm "tương đồng" với dự án "Cải cách quản lý tài chính công" (TABMIS) mà Bộ Tài chính VN đang triển khai. Được biết, đây là một dự án nhằm triển khai chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 19.7.2001.

Dự án nhằm hiện đại hoá công tác quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước từ việc lập kế hoạch, thực hiện, báo cáo ngân sách và trách nhiệm giải trình ngân sách trên cơ sở hiện đại hoá hệ thống thông tin tài chính từ trung ương đến địa phương. Qua đó nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công, tăng cường năng lực quản lý công nợ và giám sát rủi ro về nợ của doanh nghiệp nhà nước.

Dự án này được bắt đầu từ năm 2003, dự kiến kết thúc vào năm 2008 với tổng kinh phí lên tới 71,46 triệu USD, theo đó sẽ lắp đặt tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) và 61 KBNN tỉnh, thành phố cùng hơn 600 KBNN quận huyện một hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc tích hợp (hệ thống TABMIS).

Theo các nguồn tin báo chí, thông tin về vụ đổ vỡ của IBM tại Hồng Kông đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng có trách nhiệm đối với dự án TABMIS, bởi TABMIS rất giống với dự án mà KBHK đang bị "đổ vỡ", và hơn nữa cũng chính IBM đang là một đối tác có thể được tham gia thực hiện dự án này.

Ngày 8.8, khi trao đổi với PV Báo Lao Động (qua điện thoại) ông Vũ Văn Trường - Giám đốc của dự án xác nhận: Có 4 nhà thầu quốc tế tham gia đấu thầu dự án TABMIS, gồm: IBM Singapore, Accenture LLP, Unisys World Trade và LG CNS. Việc đấu thầu đang được triển khai theo kế hoạch, do đó mọi thông tin đều còn trong vòng kiểm soát bí mật, không được phép tiết lộ ra ngoài.

Còn về chuyện IBM bị đổ vỡ ở dự án KBHK, ông Trường lại cho rằng: "Đấy là IBM Hồng Kông, còn tham gia đấu thầu dự án TABMIS của VN là IBM Singapore và không nên "lẫn lộn" giữa các đối tác này" (!).

Nhưng theo một số chuyên gia trong ngành, việc thực hiện một dự án lớn, phức hợp như TABMIS bao giờ cũng phải huy động lực lượng (gồm công nghệ, kỹ thuật và cả nhân lực) của tập đoàn mẹ chứ không bao giờ các công ty con có thể làm được một mình. Được biết, IBM Singapore đơn thuần là một chi nhánh chủ yếu cung cấp phần cứng.

Theo xác nhận của phía IBM, dù là IBM Hồng Kông hay IBM Singapore cũng vẫn là các thành viên của tập đoàn này. Dư luận mong rằng, vụ "đổ vỡ" của dự án KBHK sẽ là một kinh nghiệm để những người có trách nhiệm trong dự án TABMIS tránh không để xảy ra một việc tương tự ở VN.

Trả lời PV Báo Lao Động về sự kiện này, ông D.C.Chien - Tổng giám đốc IBM khu vực ASEAN và Nam Á, cho rằng: "Nguyên nhân "đổ vỡ" dự án cần được xem xét từ cả hai phía, không nên chỉ ràng buộc trách nhiệm đối với một mình IBM". Tuy nhiên, vị quan chức cao cấp này của IBM đã né tránh mọi câu hỏi chi tiết xung quanh vụ việc này với lý do: "Không có thẩm quyền".