Việt Nam gia nhập WTO: Từ 9 - 12.5, phiên đàm phán quyết định
Các Website khác - 06/05/2006
Đàm phán song phương Việt- Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO:
Phiên đàm phán quyết định

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình
Tuyển tiếp bà Dothory Dowskin tại
vòng đàm phán song phương tháng
3.2006.

Tin từ Bộ Thương mại, chiều tối ngày 5.5, đoàn đàm phán Chính phủ VN do Thứ trưởng Bộ Thương mại kiêm Trưởng đoàn đàm phán Lương Văn Tự dẫn đầu đã lên đường sang Washington (Mỹ) để tham gia vòng đàm phán song phương với Mỹ - đối tác cuối cùng trong số 28 đối tác có yêu cầu đàm phán song phương với VN về việc gia nhập WTO - dự kiến sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ 9 - 12.5.


Cần thiện chí từ cả hai phía
Trước đó, tối 3.5, trong buổi nói chuyện tại CLB Giao lưu kinh tế, văn hoá quốc tế, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, tại phiên cuối cùng này chỉ còn 2 vấn đề nổi cộm cần giải quyết: Việc áp dụng trợ cấp xuất khẩu cho các DN mà VN đang thực hiện và xem xét tính chất của nền kinh tế thị trường của VN.

Về vấn đề thứ nhất, tại phiên đàm phán liền kề trước đây (tháng 3.2006) tại Hà Nội, hai bên đã thống nhất VN cần có một thời gian chuyển đổi thích hợp trước khi dỡ bỏ hoàn toàn chế độ trợ cấp xuất khẩu cho các DN mà VN đang áp dụng. Tuy nhiên, thời gian quá độ này kéo dài bao lâu là nội dung 2 bên cần đàm phán tiếp.

Liên quan đến vấn đề nền kinh tế thị trường của VN, có một nội dung khá nhạy cảm đó là liệu VN có bị áp dụng một số cơ chế đặc biệt như đã từng áp dụng với Trung Quốc? Theo đó, có một cơ chế khá khắc nghiệt mà ngành dệt may Trung Quốc phải hứng chịu (tức là xuất khẩu tăng trưởng đến một ngưỡng nào đó sẽ bị áp dụng hạn ngạch).

Về vấn đề này, quan điểm của VN là không chấp nhận việc áp dụng cơ chế đặc biệt với ngành dệt may bởi đây là ngành chủ yếu gia công, mang tính xã hội rất cao khi nó giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

Mặt khác, chính VN vẫn phải nhập khẩu một số lượng lớn bông, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị từ Mỹ và nhiều nước khác. Đặc biệt, lượng hàng dệt may của VN xuất sang Mỹ hàng năm chỉ chiếm khoảng 1/35 tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ (2/70 tỉ USD) nên việc áp dụng cơ chế đặc biệt là không cần thiết và thiếu công bằng.

Ngoài ra, cũng theo đoàn đàm phán, hai bên sẽ tiếp tục thương thảo thêm một số nội dung có tính kỹ thuật như nhập khẩu xe máy có phân khối lớn, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia...

Theo các nhà phân tích, ngoài vấn đề dệt-may cần có sự thoả thuận ở cấp chính trị cao hơn, thì các vấn đề khác có thể thoả thuận ngay trong cuộc đàm phán lần này. Bởi vậy, rất cần có sự thiện chí từ hai phía.

Sẽ xoá đi "20cm" còn lại
Tuy nhiên, những khoảng cách trên là rất nhỏ. Còn nhớ, tại vòng đàm phán song phương mới nhất tại Hà Nội cuối tháng 3 vừa qua, bà trưởng đoàn phía Mỹ Dothory Dowskin đã nói một cách hình ảnh rằng: "Khoảng cách giữa hai bên chỉ còn khoảng 20cm".

Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 4, nhân chuyến viếng thăm VN, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Dennis Hastert đã cam kết ủng hộ mạnh mẽ việc QH nước này sớm cho VN được hưởng quy chế đối xử bình đẳng thương mại quốc gia (PNTR). Từ những động thái này, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng như trưởng đoàn đàm phán Lương Văn Tự đều tỏ ra lạc quan về kết quả vòng đàm phán sắp tới tại Washington.

Theo nguồn tin riêng của Lao Động thì cũng trong tối ngày 5.5, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển sẽ có chuyến công du sang Mỹ để vận động nhằm kết thúc cho vòng đàm phán song phương Việt - Mỹ. Dư luận quốc tế và dư luận hai nước đều hy vọng đây là vòng đàm phán cuối cùng để phía Mỹ có thể kịp đưa ra QH nước này thông qua việc kết thúc đàm phán gia nhập WTO với VN trước tháng 11 tới đây. Đình Chúc

Adam Sitkoff - GĐ Điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội:
Các cuộc đàm phán tuần tới tại Washington rất quan trọng. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam hy vọng rằng, hai bên sẽ đi tới thoả thuận về các vấn đề tồn tại, như trợ giá xuất khẩu, trợ giá công nghiệp, vai trò của chính phủ trong nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, quyền phân phối, tỉ lệ thuế cũng là những vấn đề nổi bật...

Việt Nam mong muốn vào WTO năm nay và lịch trình đối với Việt Nam khá chặt chẽ. Chúng ta đang ở một thời điểm then chốt của đàm phán. Cả hai phía đang chuẩn bị cho các cuộc gặp sắp tới và cả hai bên đều biết rằng cuộc gặp này diễn ra là để đi tới một thoả thuận. Cần nhớ rằng không phải là Mỹ đang tìm cách gia nhập WTO - Mỹ đã là thành viên rồi. Việt Nam mới là nước đang đàm phán gia nhập và Việt Nam cần hoàn thành cả gói điều kiện gia nhập mà các nước thành viên WTO có thể chấp thuận.

Thanh niên Việt Nam đang phải cạnh tranh với thanh niên Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Singapore và nhiều nước thành viên khác. WTO sẽ tạo ra môi trường kinh tế để thêm nhiều thanh niên Việt Nam có thể phát huy hết tiềm năng của mình thay vì bị kìm hãm bởi những quy định thiên vị các mối liên hệ chính trị hơn là sự đổi mới. Không cần lắng nghe tôi, hãy hỏi bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào về sự khó khăn của họ khi cạnh tranh với các công ty nhà nước ở đây.

AmCham sẵn sàng hợp tác với các nhóm doanh nghiệp khác để tạo ra sự ủng hộ trong Quốc hội Mỹ nhằm dành Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam cuối năm nay. Tuy nhiên, PNTR chỉ có thể có nếu các điều kiện gia nhập WTO của Việt Nam được chấp nhận. M.Y