![]() Có lần tôi đi theo đoàn cán bộ về địa phương, xuống cấp huyện làm việc. "Văn võ bá quan" trong huyện tề tựu đón đoàn. Ông nào cũng comlê là phẳng ly, giày đen bóng nhoáng, các bà thì "trang phục công chức" đồng màu, trông lịch sự như các nhà ngoại giao. Còn đoàn "cấp trên" thì hơi bị lộn xộn, quần bò áo phông, sơmi bỏ ngoài quần, màu sắc linh tinh. Tôi hơi bị ngượng vì có cậu cán bộ mặc quần soóc lửng, "túi bắt gà" tứ phía, cứ chạy te tái lên trước, bắt tay các "nhà ngoại giao" huyện. Chính là từ các thành phố lớn, các "đô thị trực thuộc" - nơi mà lương ông tỉnh trưởng bằng lương lương ông bộ trưởng - đã phát sinh ra các loại mốt thời trang "tiêu biểu" như váy hở mông, quần hở rốn, áo hở nách, hở ngực, hoặc đơn giản hơn như các bà mặc áo ngủ ra đường, các ông cởi trần, mặc quần xà lỏn đi xe Hôngđa... Đa phần các thời trang này đều do các "nhà mốt" may, phỏng theo các nhà tạo mốt Âu - Mỹ - Hồng Kông... Nhưng đôi khi ngược lại, có nhiều vị quan chức quen ăn mặc chỉnh tề, ngồi phòng máy lạnh, lúc ra "hiện trường" gặp dân vẫn đóng bộ "củ", trời nóng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cái trán hói cứ bóng lộn... lên. Kể ra thì còn nhiều chuyện đáng phê lắm. Nếu ta chia xã hội công chức làm ba cấp thì cấp lớn và cấp bé (địa phương) đa số ăn mặc lịch sự, dù chưa phải là quốc phục nhưng cũng là... Âu phục. Còn cấp ở giữa, đa số là những người học nhiều hơn hai cấp kia, xem ra phần trang phục là lung tung beng nhất. Họ ngại không ăn mặc tề chỉnh như hai cấp một và ba, sợ như thế là khô cứng, cổ hủ. Họ cũng chưa đủ bản lĩnh để chơi như dân "nghệ sĩ", ăn mặc phóng túng, te tua, hở hang, quái dị. Họ tạo ra một mốt thời trang trung lập giữa đứng đắn và buông tuồng. Nói chung, bức tranh thời trang ở các đô thị của ta hiện nay phản ánh tương đối đúng địa vị nghề nghiệp của các tầng lớp. Ngoài ba "đẳng cấp" nói trên, nhìn dân "quân khu" quần thụng, áo bay, mũ cối, dép râu là biết ngay, không nên dây vào. Các em cave thì nhìn xa đã nhận ra, nhìn gần còn đậm đà hương vị phòng nghỉ nữa, biết ngay. Có lẽ mình với nhau, quen rồi, trông mặt dễ bắt hình dong. Tôi đi một số nước, nhìn quần áo khó đoán người. Phải chăng một xã hội công nghiệp ăn mặc có khác với xã hội bán thủ công, bán cơ khí? Chuyện đó chưa dám bàn. Tuy nhiên, cũng cần có một cuộc nghiên cứu, tìm tòi một bộ "quốc phục". Không nên để tái diễn chuyện năm trước, nhà tạo mẫu Minh Hạnh may áo Việt Nam cho các nguyên thủ thế giới đến ta hội nghị, mới vừa đưa ra ý đồ đã bàn tán ầm ĩ... Làm như thế cụt hứng người sáng tạo, trong khi nhiều kiểu ăn mặc cần bàn hơn lại chẳng ai bàn. Chiếc áo dài độc đáo ai cũng khen đẹp, nhưng chẳng ai cổ xuý cho việc mặc. Màu nâu sồng tiêu biểu của nông dân thì nay chỉ còn các nhà sư và các nhà thơ ưa dùng... Tóm lại, chuyện ăn mặc made in Việt Nam còn là câu chuyện dài dài. |
▪ Nghịch lý atisô (09/07/2005)
▪ Đắp mụn nhọt bằng hạt đình lịch (10/09/2005)
▪ Thon thả nhờ ăn sáng (10/09/2005)
▪ Phá cách để khẳng định cá tính (09/09/2005)
▪ Guốc xinh ra phố (09/09/2005)
▪ Mặc đồng phục làm sao cho đẹp? (09/09/2005)
▪ Đẹp rạng rỡ (09/09/2005)
▪ Các biện pháp làm trắng răng (08/09/2005)
▪ Mi huyền cong vút (08/09/2005)
▪ Differin có trị được trứng cá? (04/09/2005)