Các sản phẩm làm đẹp cho nam giới tràn ngập ở châu Á. |
Khi niềm tự hào của người đàn ông là cái tủ và vẻ đẹp trau chuốt thì có một ngành ăn nên làm ra, với sự hậu thuẫn của các show diễn thời trang như UOMO và Monthly M tại Nhật, Men's Uno ở Hong Kong và 6 bản của tạp chí cho nam giới Esquire ở châu Á.
Doanh số các sản phẩm dành cho nam giới trên toàn cầu sẽ tăng 78% và lên tới 19,5 tỷ USD từ nay đến năm 2008, Euromonitor International, một công ty nghiên cứu thị trường ước tính. Các nhà sản xuất cho biết họ đang thúc đẩy để tung ra các dòng sản phẩm dành cho nam giới bởi sự cạnh tranh trong các sản phẩm cho phụ nữ rất khốc liệt và rất khó để duy trì doanh số bán.
"Thị trường của các sản phẩm cho nữ giới đã bão hoà", Venice Tsoi, một trong những người sáng lập Mence Beauty, trung tâm chăm sóc sắc đẹp cho nam giới hàng đầu của Hong Kong, cho hay. Mence đã mở 5 salon trong vòng ba năm qua và doanh thu mỗi năm lại gấp đôi năm trước.
Trong khi đó, các công ty mỹ phẩm của châu Á lên chiến dịch quảng cáo hàng triệu USD và thuê các ngôi sao như Beckham, diễn viên Richard Gere, và ngôi sao nhạp pop hàng đầu của Nhật là Takuya Kimura để chuyển tải các thông điệp "làm sạch, tẩy da chết và dưỡng ẩm".
Hãng Shiseido của Nhật đi tiên phong trong lĩnh vực này. Năm 1996, họ bắt đầu tung ra Geraid, kem tẩy lông dành cho nam giới. Giờ đây tất cả các hãng đều khuếch trương các dòng sản phẩm cho nam giới, ví dụ như Man Holding Flower của hãng Somang, Hàn Quốc, hay sản phẩm chăm sóc da và tóc Gatsby của hãng Mandom, Nhật Bản.
"Trang điểm không chỉ là vì vẻ bề ngoài mà còn vì cái tôi bên trong nữa", Yu Sang Ok, giám đốc điều hành 72 tuổi của hãng Coreana, Hàn Quốc, giải thích. Ông tin tưởng rằng nam giới cảm thấy thoải mái hơn khi làm đẹp. Các sản phẩm cho nam giới hiện mang về cho Coreana 20 triệu USD mỗi năm, khoảng 10% tổng doanh thu của hãng.
Nhưng liệu có phải vì một chàng trai xinh đẹp nào đó gây nên cuộc cách mạng của đàn ông châu Á? Không hẳn là vậy, Romit Dasgupta, giảng viên văn hoá Nhật tại Đại học Tây Australia, cho hay. "Không phải vì David Beckam mà bỗng nhiên đàn ông châu Á chăm sóc bản thân. Thực ra họ đã có sẵn truyền thống đó rồi".
Trong thời kỳ yên bình của Nhật từ năm 794 đến năm 1185, cả nam giới và phụ nữ đều đánh phấn. Giáo sư Đại học Trung Hoa tại Hong Kong Anthony Fung cho rằng ở phương Tây, nam tính thường đồng nghĩa với "cơ bắp, da rám nắng và cơ thể cường tráng". Song ở châu Á, định nghĩa về nam tính lại linh hoạt hơn. Thời nhà Minh và nhà Thanh (1368-1911), các bức vẽ về nam giới trông đầy nữ tính và bay bổng.
Vì vậy, nhạc bài Dude Looks Like a Lady của Aerosmith giờ được dùng làm nhạc nền cho các show thời trang ở châu Á và sự lẫn lộn về giới tính là chuyện thường ngày ở huyện. "Khi tôi đến châu Á, tôi đã rất khó phân biệt được ai là gay ai không", Norm Yip, một người đồng tính Canada gốc Hoa và là phóng viên ảnh, cho biết. Yip đã cho xuất bản cuốn sách tập hợp các tấm chân dung mang tên The Asian Male hồi đầu năm.
Yip không phải là người duy nhất bị mất phương hướng. Khi hai kênh truyền hình Hong Kong quyết định đứng ra tổ chức các cuộc thi sắc đẹp dành cho nam giới mùa hè vừa qua, các nhà sản xuất đã toát mồ hôi bởi định nghĩa về vẻ nam tính thời hiện đại quá vô định.
"Mọi người đều biết cái chuẩn về sắc đẹp của phụ nữ nhưng làm sao chúng tôi chấm điểm được cho nam giới", Wilson Chin, nhà sản xuất chương trình Mr. Hong Kong của kênh truyền hình TVB, cho hay.
Trước đây, người ta có thể xác định được người thắng cuộc bằng trò ném lao hoặc nhảy xa. Khi tự tổ chức cuộc thi sắc đẹp dành cho nam giới, đài truyền hình ATV của Hong Kong, đối thủ của TVB, quyết định rằng cần phải thay đổi các giá trị cũ. Các thí sinh được đánh giá theo các đặc điểm như ở công sở, ví dụ như sức thu hút, sự khôn ngoan và năng lực giải quyết tình huống.
"Chúng tôi không muốn một anh chàng có tính cách đàn bà", Ip Ka-pao, phó chủ tịch phòng quan hệ công chúng và quảng cáo của ATV, cho hay. "Chúng tôi đã muốn các thí sinh có tính cách của người đàn ông thực thụ".
Nhưng cuối cùng, người thực sự quyết định thế nào là một người đàn ông đẹp lại là vợ và bạn gái của các chàng trai. Một số phụ nữ cho biết họ có thể nói khi nào nam giới quá chăm chút đến nhan sắc. "Tôi nghĩ đàn ông nên dành một phần ba thời gian và sự chú ý đến vẻ bề ngoài", Phoenix Lau, một sinh viên ở Hong Kong, cho hay. "Nhưng đàn ông Hong Kong dành quá nhiều thời giờ vào việc này, hơn cả một phần ba!", Lau nói.
Còn nữ tiếp viên hàng không Nhật Motomi Asano lại cho rằng 50 đến 60% cũng được. Asano đã phải học cách chấp nhận người bạn trai quá đam mê thời trang, thậm chí anh tiêu tiền vào quần áo gấp đôi cô. Nhưng Asano cũng đặt ra giới hạn. "Khi tôi đi mua sắm với anh ấy, anh ấy lượn khắp nơi và cái gì cũng ghé qua. Nhiều lúc tôi nghĩ 'Ôi giời ạ'".
Các chàng trai cho rằng chẳng có gì sai khi chăm chú đến nhan sắc. "Chúng ta đang sống trong thời đại mà đàn ông cần trông hấp dẫn hơn", Park, nhà thiết kế thời trang ở Seoul, nói. Anh không biện hộ việc chú ý quá mức đến vẻ bên ngoài. "Chúng tôi chẳng có gì phải che giấu cả. Thực tế là phụ nữ ngày nay muốn đàn ông có da dẻ ngon lành và cơ thể đẹp".
Ngọc Sơn (theo Time)
▪ Nghịch lý atisô (09/07/2005)
▪ Cô dâu khỏe và đẹp (21/11/2005)
▪ 10 biện pháp để giảm cân hiệu quả (21/11/2005)
▪ Vì sao đàn ông châu Á lên cơn sốt làm đẹp? (18/11/2005)
▪ Chữa mụn và làm đẹp bằng laser (18/11/2005)
▪ Diện đồ thuê (15/11/2005)
▪ Lấp lánh Cùng ngọc trai Phú Quốc (12/11/2005)
▪ Sắc màu cuộc sống (12/11/2005)
▪ Công nghệ laser mới trị mụn trứng cá (09/11/2005)
▪ Thon thả sau khi sinh (09/11/2005)