Tư vấn sức khỏe
Các Website khác - 25/07/2005

TT - Bệnh đại tràng dài có nguy hiểm?
- Gai gót chân điều trị thế nào?

Bệnh đại tràng dài có nguy hiểm?

* Con tôi gần 5 tuổi. Cháu thường xuyên bị táo bón, một tuần chỉ “đi” được 1-2 lần. Đi khám bệnh, bác sĩ cho uống Duphalac và Sorbitol thì “đi” được, không uống thì táo bón tiếp. Chụp đại tràng kết luận cháu bị đại tràng dài. Xin hỏi bệnh có nguy hiểm và chữa khỏi?
(Tạ Thị Lệ Uyên - Tân An, Long An)

TS Nguyễn Thanh Hùng, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM:
- Nguyên nhân táo bón trong trường hợp này có thể do: bệnh phình đại tràng bẩm sinh, đại tràng dài, hẹp hậu môn. Chị cần đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi hay ngoại nhi để chẩn đoán chính xác và điều trị. Nếu là phình đại tràng bẩm sinh thì phải phẫu thuật; hẹp hậu môn có thể điều trị bằng phương pháp nong hậu môn. Nếu đúng là đại tràng dài, thường chỉ điều trị nội khoa: chế độ ăn có nhiều chất xơ và thuốc nhuận trường để chống táo bón, rất hiếm khi phải phẫu thuật.

________________

Gai gót chân điều trị thế nào?

* Tôi bị thốn gót chân. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị gai gót chân và bảo do tôi lớn tuổi, xương bị thoái hóa không có thuốc trị, nên đi dép mềm cho đỡ đau. Tôi có uống thuốc tây, đắp lá thuốc nam, ngâm chân nước muối pha loãng cũng không hết. Xin hỏi có phải tôi bị loãng xương. Nên điều trị thuốc gì, ở đâu, có cần phải phẫu thuật?
(Lê Công Danh - Long Xuyên, An Giang)

Bác sĩ Phạm Thị Thúy Nga, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM:
Triệu chứng ông kể là những triệu chứng điển hình của bệnh gai gót chân. Bệnh do viêm các gân và cân bám ở mặt lòng bàn chân của xương gót. Việc điều trị chủ yếu là dùng kháng viêm corticoide theo toa bác sĩ, đi giày mềm và hơi có gót để giảm trọng lượng cơ thể dồn xuống gót, có thể ngâm chân nước ấm. Nếu đau nhiều có thể tiêm corticoide tại chỗ nhưng phải do bác sĩ chuyên khoa đảm nhiệm. Không nên và không cần phẫu thuật cắt gai.

NG. QUANG thực hiện


CÁC TIN ĐÃ ĐƯA