Bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em
Báo Tiếng chuông - 07/04/2016
Ngày 5/4, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Luật Trẻ em, trong đó có điểm đáng chú ý là quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ vẫn được đảm bảo; đồng thời, độ tuổi trẻ em vẫn là dưới 16 tuổi thay vì dưới 18 tuổi.
 

 

Giữ nguyên độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi

Gồm 7 chương, 106 điều, Luật trẻ em (sửa đổi) quy định các quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Đối tượng áp dụng của luật là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ sở giáo dục, gia đình, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có quy định nghiêm cấm tước đoạt quyền sống của trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em...

Quốc hội cũng đồng ý giữ nguyên quy định về độ tuổi của trẻ em như quy định tại Luật hiện hành. Cụ thể, tại Điều 1, Luật Trẻ em (sửa đổi) quy định: trẻ em là người dưới 16 tuổi. Đồng thời, thống nhất đổi tên Luật thành "Luật trẻ em".

Tôn trọng các bí mật đời tư của trẻ

Về quyền và bổn phận của trẻ em được quy định trong Luật, khi thảo luận góp ý, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét lại quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư (tại Điều 21 của dự thảo Luật). Quyền này nếu được thông qua sẽ khiến cho cha mẹ nếu muốn giám sát, kiểm tra con sẽ là phạm luật, trong khi trẻ em chưa chín chắn và chưa có đầy đủ nhận thức, có thể bị lôi kéo vào những xu hướng xấu. Có ý kiến băn khoăn về quy định trẻ em có quyền tự do kết bạn tại Điều 34 sẽ gây khó cho người làm cha, mẹ trong việc quan tâm đến mối quan hệ xã hội của con.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuy vẫn giữ lại quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em nhưng đã bổ sung, chỉnh lý quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em tại Điều 21 gắn với yêu cầu vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và quy định cụ thể trách nhiệm của cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình trong việc bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em tại điểm b, c khoản 1 Điều 100 của dự thảo Luật: “Bảo đảm để trẻ em thực hiện được quyền bí mật đời sống riêng tư của mình, trừ trường hợp cần thiết để bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”…

Đồng thời, trong luật, cụm từ “kết bạn” nêu tại Điều 34 của dự thảo Luật đã được lược bỏ, nhưng vẫn cho thấy rõ trẻ em có quyền tự do hội họp theo quy định của pháp luật...

Sau khi chỉnh sửa, điều 21 dự thảo luật trình Quốc hội thông qua quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Điều 34 quy định: trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em, được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi các ý kiến, nguyện vọng chính đáng.

Bên cạnh đó, các quy định về chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo vệ trẻ em, quyền và bổn phận của trẻ em, các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, nội dung quản lý nhà nước về trẻ em, trách nhiệm và quyền của người nhận chăm sóc thay thế trẻ em, trách nhiệm của Nhà nước, các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em … cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật trẻ em (sửa đổi).

Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017.