Từ năm 2000 đến nay, phòng KTHS Công an tỉnh Gia Lai đã khám nghiệm hiện trường và dựng lại hiện trường thực nghiệm điều tra 731 vụ án, chỉ đạo lực lượng KTHS cấp huyện khám nghiệm hiện trường gần 3.500 vụ việc đạt hiệu quả cao. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, trèo đèo, lội suối, băng rừng không kể ngày hay đêm, kịp đến hiện trường khám nghiệm để phát hiện, thu lượm dấu vết, vật chứng có giá trị truy nguyên tội phạm. Nhiều vụ sử dụng dấu vết nóng ngay tại hiện trường để truy bắt thủ phạm, phục vụ công tác điều tra, xét xử. Trước, trong và ngay sau khi xảy ra vụ bạo loạn ở Plây Cu (ngày 2-2-2001), cán bộ KTHS đã làm việc miệt mài, không kể ngày đêm để giám định chữ viết, chữ ký, tài liệu, khám nghiệm hiện trường, tham gia truy bắt các đối tượng cầm đầu của tổ chức phản động "Ðề Ga".
Ngày 5-2-2001, Công an tỉnh nhận được tin: Tại nghĩa trang xã HNeng, huyện Ðác Ðoa có bom đặt sát quốc lộ 19. Không quản ngại nguy hiểm và đêm tối, cán bộ KTHS kịp thời có mặt, thận trọng nghiên cứu thực địa, qua khám nghiệm kết luận đó là hai quả bom nổ chậm còn sót lại từ thời chiến tranh ở hai hố sâu 4 - 6 m, do dân đào lấy phế liệu phát hiện. Kết quả đó đã xóa được sự lo lắng, hoang mang trong nhân dân cho rằng có kẻ xấu đặt bom khủng bố. Mặc dù phải tiếp nhận rất nhiều yêu cầu giám định (trong năm năm hơn 4.000 yêu cầu) của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, các đơn vị quân đội ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như giám định chữ viết, đường vân, dấu vết súng đạn, tài liệu tẩy xóa, tiền giả, các chất ma túy, số đóng chìm trên vật liệu..., nhưng các kết luận do phòng KTHS đưa ra đều bảo đảm khách quan, chính xác 100%. Ðã phục vụ các đơn vị nghiệp vụ khởi tố 2.600 vụ án, thu 348 xe mô-tô, 2.688 m3 gỗ các loại, 230 nghìn gói thuốc lá ngoại nhập lậu, gần chín tấn men rượu giả, 57 kg nhãn bao bì giả và nhiều tài sản có giá trị khác. Qua giám định đã phát hiện 14 giấy chứng nhận đăng ký xe máy, giấy phép lái xe giả; 306 xe mô-tô bị đục phá số khung, số máy; 1.043 giấy bạc mệnh giá 100 nghìn đồng, 50 nghìn đồng, 20 nghìn đồng là tiền giả và hàng trăm tài liệu, hóa đơn chứng từ bị tẩy xóa, làm giả.
Các kết luận giám định nói trên đã phục vụ đắc lực công tác điều tra, xét xử, phòng ngừa tội phạm. Nhiều bản kết luận giám định là chứng cứ pháp lý duy nhất để cơ quan tiến hành tố tụng bắt giữ, xử lý kẻ phạm tội. Ngày 14-2-2002, Công an huyện Ðác Ðoa gửi đến phòng KTHS bản tài liệu (viết bằng chữ dân tộc thiểu số) có nội dung kích động đồng bào dân tộc thiểu số chuẩn bị biểu tình, bạo loạn. Mặc dù hôm đó là ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, nhưng các cán bộ giám định vẫn miệt mài làm việc, nghiên cứu, so sánh và kết luận: chữ viết trên tài liệu gửi đến giám định với chữ viết của tên Mơr là do cùng một người viết ra. Ngay sau đó, Công an huyện đã bắt giữ Mơr, trú tại làng BLo, xã Ia Dơk, huyện Ðác Ðoa và Mơr đã phải cúi đầu nhận tội. Kết quả đó đã ngăn chặn kịp thời âm mưu biểu tình, gây bạo loạn, ổn định an ninh trật tự ở địa phương.
Tháng 2-2005, ở huyện Mang Yang phát hiện tài liệu đe dọa sẽ bắn giết cả làng nếu không theo Phun-rô. Công an huyện đã thu các tài liệu nói trên, chuyển về phòng KTHS giám định. Qua nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo phòng đã phác họa được những nét chính về đối tượng như: độ tuổi, trình độ, giới tính, nghề nghiệp và hướng dẫn Công an huyện tiếp tục cung cấp mẫu chữ viết của nhiều đối tượng khác nhau. Qua giám định đã kết luận: các tài liệu đó do người có tên là Ron trú tại làng Brung, xã Yun, huyện Mang Yang viết ra. Ron đã bị bắt ngay sau đó và đã khai nhận hành vi của mình, v.v. Phòng KTHS là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Công an tỉnh Gia Lai, liên tục đạt danh hiệu "Ðơn vị Quyết thắng"; chi bộ "trong sạch, vững mạnh". Tổ giám định năm năm liền là "Tập thể lao động XHCN". Ðơn vị được tặng Huân chương Chiến công hạng nhì.
NGUYỄN ÐÌNH ÐƯỜNG
|