>> Xem xét trách nhiệm của EVN
>> Củng cố hồ sơ chuẩn bị khởi tố thêm một số đối tượng
>> Trình Chính phủ phương án bồi hoàn
TT - Sáng 7-10, tại trụ sở Ủy ban MTTQ TP.HCM, dưới sự chứng kiến của đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã diễn ra hội nghị bỏ phiếu tín nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Lê Minh Hoàng, nguyên giám đốc Công ty Điện lực (CTĐL) TP.HCM.
Như vậy việc bỏ phiếu diễn ra sau bốn ngày ông Hoàng bị Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố, tạm giam (ngày 3-10-2005). Vì sao có sự chậm trễ này, ông Lê Hiếu Đằng - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP - cho biết: “Một số nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ là do UBMTTQ TP phải chờ ý kiến của một số cơ quan liên quan về trách nhiệm của ông Hoàng, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cách thức tiến hành... Tuy nhiên tôi cho rằng bản thân ông Lê Minh Hoàng cũng rất đáng trách. Có đến ba lần đề nghị từ nhiệm nhưng ông đều từ chối”.
Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có 89/90 đại biểu tham dự đồng ý bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Hoàng. Ủy ban MTTQ TP có 131 ủy viên. Nếu tính tất cả số ủy viên thì số phiếu trên chiếm 67,94%, đạt 2/3 như qui định, đủ bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.
* Chiều 7-10, đại tá Phạm Hùng Chiến, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, đã cho biết Tổng công ty Điện lực VN (EVN) có liên đới trách nhiệm trong vụ ĐKĐT do thiếu kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho CTĐL TP “cố ý làm trái” và trượt từ sai phạm này đến các sai phạm khác.
Điều đáng nói là những sai phạm của CTĐL TP diễn ra trong một thời gian dài nhưng không được EVN phát hiện kịp thời. Thậm chí trong thời gian đó đã có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của EVN về làm việc nhưng không có ý kiến gì.
Ở một diễn biến khác, cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ để chuẩn bị khởi tố thêm một số người liên quan thuộc nhóm các đối tượng tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả tại các công ty Linkton Vina, Quang Trung, Quán Quân. Ngoài ra, một số cán bộ vi phạm của CTĐL TP cũng sẽ được xem xét, khởi tố ở lần này.
* Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-10, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu cho biết vừa trình Chính phủ phương án bồi hoàn liên quan đến vụ ĐKĐT, sau khi lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan, HĐND TP.HCM.
Nội dung gồm hai phương án bồi hoàn đã thống nhất trong cuộc họp với các ngành: đối với ĐKĐT đã tháo gỡ thì tính bình quân hai tháng trước và hai tháng sau khi thay ĐKĐT. Với khách hàng chưa thay ĐKĐT thì gắn điện kế cơ đảm bảo chất lượng để đối chứng.
Tuy nhiên theo ông Khu, bộ cũng đề xuất Chính phủ là khách hàng có quyền chọn lựa một trong hai phương án trên để tính tiền bồi hoàn. Riêng việc xử lý 312.000 ĐKĐT bất hợp pháp ra sao, ông Khu nói vẫn chưa đề xuất, sau khi xử lý xong vụ ĐKĐT mới tính tiếp.
PHÚC HUY - HOÀNG KHƯƠNG
▪ Bộ Tư pháp muốn thâu tóm cảnh sát tư pháp (08/10/2005)
▪ Cần mở rộng đối tượng thành lập cơ sở sản xuất phim (07/10/2005)
▪ Chế độ nâng bậc và phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (07/10/2005)
▪ "Quy về một mối" việc sát hạch, cấp giấy lái xe (07/10/2005)
▪ Tiền chiếm đoạt là vốn xây dựng cơ bản hay lợi nhuận của dự án? (07/10/2005)
▪ Hợp đồng cho thuê nhà có cần phải công chứng hay chứng thực? (07/10/2005)
▪ Thêm 2 cán bộ liên quan vụ tiêu cực ở OSC Việt Nam (07/10/2005)
▪ Khởi tố hạt trưởng kiểm lâm bảo kê lâm tặc phá rừng (07/10/2005)
▪ Chống tham nhũng ở cơ quan pháp luật là vấn đề cốt tử (07/10/2005)
▪ Tổng giám đốc Linkton Vina bị truy nã quốc tế (07/10/2005)