Dù đáng tiếc nhưng vẫn phải ngừng đề bạt
Sau khi rút ra khỏi chuyên án và giải trình với lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, vẫn khẳng định ông “không thể một tay xích, tay kia cầm tiền “chạy án””.
Dù vậy trả lời phỏng vấn Báo Tiền Phong mới đây, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng xác nhận một số dự kiến đề bạt thiếu tướng Oánh đã bị dừng lại.
Đó là nguyên tắc tổ chức
Ông Hưng nói: “Trong lúc tội pham đang bị truy xét mà gặp gỡ những người có chức vụ và trách nhiệm quan trọng như vậy thì đương nhiên cơ quan chức năng phải làm rõ xem việc gặp gỡ ấy nhằm mục đích gì”.
*Dư luận về ông Cao Ngọc Oánh đang được làm rõ. Thế nhưng, Cao Ngọc Oánh thuộc diện được chuẩn bị nhân sự để vào Trung ương và dự kiến đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Công an. Nghe nói cả hai việc chuẩn bị vào Trung ương và dự kiến đề bạt này hiện đã bị dừng lại. Vì sao?
Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng trường hợp của đồng chí thủ trưởng cơ quan điều tra mà bất cứ người nào rơi vào hoàn cảnh như thế cũng vậy thôi. Tức là trong quá trình đang được xem xét, chuẩn bị nhân sự mà liên quan đến những việc chưa rõ ràng, cần phải được kiểm tra, kết luận thì đều phải dừng lại. Đó là nguyên tắc để bảo vệ sự trong sạch của tổ chức Đảng. Đã là Đảng viên thì phải chấp hành nguyên tắc đó.
* Để được vào diện dự kiến nhân sự Trung ương, dự kiến đề bạt thứ trưởng thì người ta phải phấn đấu trong một thời gian dài. Nay chỉ vì một điều chưa rõ ràng mà đưa ra khỏi diện dự kiến nhân sự thì có gì đó chưa thỏa đáng. Ông có nghĩ như vậy?
Đã là cán bộ nhà nước, là Đảng viên thì dù có được bầu vào Trung ương hay không cũng phải phấn đấu, nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt công việc của mình. Đương nhiên nếu sau này kết luận rằng đồng chí đó không có tiêu cực thì đó cũng là điều đáng tiếc.
Nhưng tôi tin rằng trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay của vụ án, việc có cuộc gặp gỡ ở khách sạn Melia như thế thì buộc tổ chức phải xem xét làm rõ. Không thể vì một cá nhân mà để tổ chức Đảng không yên tâm, vì mục đích cao nhất của Đảng là xây dựng tổ chức trong sạch, vững mạnh. Trên cơ sở như thế tôi tin rằng đồng chí ấy cũng vui lòng.
Độ “vênh” giữa hai bản giải trình
Trong mọi cuộc trả lời báo chí, ông Cao Ngọc Oánh luôn bày tỏ mong muốn rằng những điều liên quan đến ông sẽ sớm được làm rõ. Theo ông, nếu những nghi vấn ấy không sớm được kết luận thì sẽ rất oan cho ông, một người có nhiều năm đấu tranh với tội phạm, đặc biệt là các tội tham nhũng.
Trong báo cáo giải trình gửi lãnh đạo Bộ Công an, ông Oánh cho biết bữa cơm trưa tại khách sạn Melia có mặt cả ông Đoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Oánh khẳng định, ông đến dự bữa cơm này theo lời mời của hai quan chức vừa nêu và có cả Dũng “Huế” cùng dự.
Trong bữa cơm mọi người không hề nói chuyện “chạy án” mà chỉ chuyện xã giao, quan hệ xã hội. Sau báo cáo này, ông Oánh nhớ them một người nữa cũng có mặt trong bữa ăn là ông Nguyễn Hiếu Vinh, nguyên Cục phó cục Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế và chức vụ, nay về Vụ Theo dõi công tác chống tham nhũng (Vụ 1, Văn phòng Chính phủ).
Tuy nhiên, theo một nguồn tin, báo cáo giải trình của ông Đoàn Mạnh Giao lại cho rằng ông Cao Ngọc Oánh đã mời ông Giao ăn cơm tại khách sạn Melia. Vậy thì sự thực là ai mời ai? Để làm rõ việc này, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã tổ chức một cuộc đối chất giữa một số người có mặt trong bữa cơm. Dự kiến trong tuần này, cơ quan chức năng sẽ có kết luận về bữa ăn gây dư luận này cả về thành phần, lời mời và nội dung câu chuyện trong bữa ăn.
Để tìm hiểu, chúng tôi xem Vụ trưởng Vụ 1, Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hiếu Vinh như một nhân chứng. Chiều hôm qua, chủ nhật 9-4, phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM đã điên thoại cho ông Vinh để hỏi về độ “vênh” giữa giải trình của Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh và Bộ trưởng Đoàn Mạnh Giao. Ông Vinh nói: “Tôi không thể nói đựoc vì với tôi, anh Oánh là thủ trưởng cũ còn anh Giao là thủ trưởng hiện tại”.
Trong khi đó, một nguồn tin cho biết con rể Bộ trưởng Đoàn Mạnh Giao tên là Lâm (biệt hiệu Lâm thái tử) đã từng được Bùi Tiến Dũng “cho mượn dài hạn” một chiếc xe hơi cực xịn, cực đắt tiền của PMU 18. Lâm thường xuyên gửi chiếc xe này tại tầng hầm trung tâm Hội nghị Quốc tế trên phố Lê Hồng Phong (Hà Nội). Ngoài ra, Lâm thái tử là giám đốc một công ty xây dựng có tham gia một số gói thầu mà PMU 18 làm chủ đầu tư.
Đánh giá về vụ án này, ông Trần Đại Hưng cho biết mức độ nghiêm trọng của nó còn hơn cả vụ Năm Cam. Như vậy khả năng diễn biến điều tra trong thời gian tới sẽ còn rất phức tạp
Theo Pháp Luật TP.HCM
▪ Hà Nội cho phép đấu thầu bảy loại hình dịch vụ đô thị (08/04/2006)
▪ Khởi tố bị can 10 đối tượng (08/04/2006)
▪ Bắt 10 ổ ghi đề, tạm giữ 11 đối tượng (08/04/2006)
▪ Hải Phòng phát hiện, xử lý lô hàng nhập trái phép gồm bảy ô-tô và bốn containter hàng điện tử đã qua sử dụng (09/04/2006)
▪ Ðình chỉ sinh hoạt Ðảng đối với ông Nguyễn Việt Tiến (09/04/2006)
▪ Một số thủ đoạn của bọn tham nhũng từ sơ hở của mô hình PMU (10/04/2006)
▪ Chết đuối vì đi mua dâm (08/04/2006)
▪ Tuần tới lấy lời khai của ông Nguyễn Việt Tiến (09/04/2006)
▪ Nổ súng giữa bàn nhậu (09/04/2006)
▪ Một giảng viên đại học bán đề thi cho sinh viên (10/04/2006)