Những kẻ chủ mưu là ai?
Tại các ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh ở xã Xuân Lũng, xã Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) và Ngân hàng Công thương thị xã Phú Thọ có 25 bộ giấy tờ xe ôtô giả được dùng thế chấp. Chủ nhân của những khoản vay này là 5 vị "giám đốc" trú tại khu 2 xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, đó là: Phạm Văn Bình (sinh năm 1957), Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Hoàng Bảo, trực tiếp sử dụng hai bộ vay 400 triệu đồng và bảo lãnh cho một đối tượng vay 130 triệu đồng; Nguyễn Thành Công (sinh năm 1972), Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Việt Bắc đã sử dụng năm bộ vay 630 triệu đồng: Nguyễn Kinh Thành (sinh năm 1964), Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng thi công cơ giới số 4 sử dụng ba bộ thế chấp tại cả ba ngân hàng trên để vay 700 triệu đồng; Trần Văn Định (sinh năm 1967), Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển nông thôn Vĩnh Phú cũng trực tiếp sử dụng bảy bộ vay 1,63 tỷ đồng và dùng hai bộ khác bảo lãnh cho một đối tượng khác vay 260 triệu đồng; Trần Đăng Quyết (sinh năm 1963), Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Thượng Hải cũng sử dụng năm bộ vay 585 triệu đồng.
Theo lời khai bước đầu, anh trai cả của Quyết và Định là Trần Đăng Ký ở khu 2 xã Hà Thạch cũng sử dụng một bộ vay tại ngân hàng Xuân Lũng 300 triệu đồng. Ngày 5-7-2005, Công an Phú Thọ tiến hành bắt giữ năm vị giám đốc này với tội danh làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức.
Cơ quan công an còn phát hiện thêm 10 bộ giấy tờ xe ôtô giả khác cũng được dùng làm tài sản thế chấp để vay tiền. Ngày 19-7-2005, bắt tiếp tên Nguyễn Tiến Lương, sinh năm 1981 tại phố Phú Thịnh, phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ. Được biết ngoài việc trực tiếp dùng hai bộ thế chấp tại chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT xã Hùng Sơn để vay 400 triệu đồng, Lương còn đưa cho bố và anh trai tám bộ khác để vay và bảo lãnh cho vay tổng cộng 3,675 tỷ đồng.
Các ngân hàng đã bị rút ruột hơn 13 tỷ đồng
Cuối năm 2004, Bình, Thành, Công và Quyết lần lượt đứng ra thành lập công ty TNHH, Công ty Cổ phần và đứng lên làm giám đốc. Ngoài Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nông thôn Vĩnh Phú thành lập năm 2002 do Trần Văn Định làm giám đốc có trụ sở tương đối khang trang thì các công ty còn lại đều lấy nhà riêng làm trụ sở giao dịch, số thành viên, cổ đông cũng như số vốn pháp định chỉ có trên giấy tờ.
Năm vị giám đốc này đều xuất thân từ những anh nông dân chân lấm tay bùn. Như Nguyễn Thành Công, trình độ văn hóa 7/10, sau khoảng mười năm làm ruộng và chạy máy xay xát, đến năm 2004, Công đứng ra thành lập Công ty Cổ phần xây dựng Việt Bắc, trụ sở tại nhà riêng. Nguyễn Kinh Thành sau khi học hết lớp 10/10, đến cuối năm 2004 cũng đứng ra thành lập công ty riêng. Ngay cả Trần Văn Định cũng xuất thân từ nghề lái xe cho Công ty xây lắp thủy lợi Vĩnh Phú (cũ), sau đó chuyển sang làm thợ xây dựng tự do, tham gia nhận thầu các công trình xây dựng và dần dần trở thành giám đốc. Để có vốn phục vụ công việc, Định thường vay tiền tại các ngân hàng trong khu vực gần nhà, dần dần cạn vốn do việc làm ăn không hiệu quả, tài sản đã dùng để thế chấp hết nên Định nảy sinh ý định dùng giấy tờ xe ôtô giả để tiếp tục vay vốn ngân hàng.
Để thực hiện, Định gặp Nguyễn Thành Công và bàn bạc tìm người làm các giấy tờ giả. Sau một thời gian tìm kiếm Công, Định đã tìm được Nguyễn Công Tâm ở phường Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, đang làm việc tại Hà Nội và nhờ Tâm tìm mối làm giả giấy tờ. Tháng 8-2004, Tâm liên hệ với Quản Minh Đức ở Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội đang làm thuê ở một hiệu ảnh tại phố Kim Mã. Đức nhận làm 9 bộ giấy tờ giả theo yêu cầu của Tâm. Ngoài ra, Định còn trực tiếp liên hệ với Nguyễn Ngọc Hiếu, sinh năm 1977 ở xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhờ Hiếu làm 9 giấy đăng ký xe ôtô giả và 12 giấy chứng nhận bảo hiểm giả. Hiếu nguyên là sinh viên Cao đẳng Tin học thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi ra trường, Hiếu làm nghề lắp ráp xe máy, sau đó đi học thêm nghề in và làm việc tại hai hiệu ảnh tại đường Bà Triệu và đường Cầu Giấy (Hà Nội). Nguyễn Tiến Lương cũng khai nhận đã thuê một đối tượng ở Hà Nội làm giả các giấy tờ nói trên. Hiện cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Tính đến ngày 19-7-2005, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh đã khởi tố và bắt giữ 8 bị can. Các đối tượng đã rút của các ngân hàng tổng số tiền 7 tỷ 255 triệu đồng. Ngoài ra, số đối tượng trên còn dùng tài sản khác thế chấp để vay 6,355 tỷ đồng. Trong khi hầu hết công ty của các đối tượng trên đều không có khả năng thanh toán, các khoản nợ đều đến hạn trả và quá hạn trả là 13,610 tỷ đồng.
|