Giả danh con gái lãnh đạo cao cấp để lừa đảo
Các Website khác - 16/08/2005
Lê Thị Nhịn viết tường trình ở cơ quan điều tra.

Thị đã lên tận chiến khu D ở Tây Ninh, nơi vị lãnh đạo cao cấp từng chiến đấu để chụp hình và ghép với các nhân vật quan trọng để dễ bề lừa gạt; tuy chỉ học hết lớp 3 trường làng nhưng thị mạo danh đã tốt nghiệp ĐH ở Paris.

Lúc 16h ngày 15/8, Cơ quan điều tra Công an TP HCM đã di lý Lê Thị Nhịn (sinh năm 1968, nguyên quán Đồng Tháp) về căn nhà trọ ở quận 8, TP HCM để đọc lệnh bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở. Nhịn đã có hành vi mạo danh con cán bộ cao cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vị khách VIP đến từ Bộ Công an

Trong những ngày đầu tháng 8/2005, khách sạn Phương Nam tại phường 7, quận 11, TP HCM đón tiếp một cặp nam nữ đến thuê phòng trọ. Nam tên Lê Minh Phóng (SN 1964) không có điểm gì đặc biệt. Còn nữ trạc 40 tuổi, thân hình khá phốp pháp, nói giọng miền Nam nhưng phong thái rất quan cách. Do không có chứng minh nhân dân, bà ta phải đưa ra một tấm bằng tốt nghiệp trung học thương mại mang tên Trần Thị Kim Nhịn để được thuê phòng. Tuy nhiên, lúc lấy chìa khóa phòng, bà ta tiết lộ cho nhân viên lễ tân biết, mình là đương kim cục phó Cục Hậu cần, Bộ Công an đang thi hành nhiệm vụ bí mật.

Khoảng 7h sáng 12/8, Nhịn được một chiếc xe hơi mới cáu đến rước đi Đồng Nai để gặp một đối tác bàn bạc về việc thực hiện một phi vụ mua đồng USD cổ. Khoảng 12h20 cùng ngày, khi Nhịn và Phóng vừa bước xuống xe tại cửa khách sạn Phương Nam liền bị các trinh sát mời về cơ quan công an làm việc.

Cô thợ may... tốt nghiệp ĐH tại Paris

Theo thông tin ban đầu, Lê Thị Nhịn thường tự xưng là Võ Hiểu K., con gái út của một vị nguyên lãnh đạo cao cấp Nhà nước, đồng thời cũng tự xưng là con nuôi của một vị cục phó Cục Hậu cần, Bộ Công an.

Tại cơ quan điều tra, ban đầu Lê Thị Nhịn còn quanh co chối tội nhưng trước những chứng cớ của cơ quan công an, bà ta bắt đầu thừa nhận hành vi lừa đảo của mình. Theo đó, từ năm 1988, Nhịn rời quê lên TP HCM làm thợ may tại quận 11. Sau đó, bà ta có những tài liệu về nhân thân, mối quan hệ của một số lãnh đạo cao cấp. Sau khi suy đi tính lại, Nhịn quyết định đóng vai con gái út của một vị nguyên lãnh đạo cấp cao Nhà nước.

Để vỏ bọc thêm phần chắc chắn, ngoài việc tìm hiểu rành rọt tiểu sử của các cán bộ từ TP HCM đến trung ương, Nhịn đã lên tận Chiến khu Đ, nơi các vị lãnh đạo từng chiến đấu để chụp hình, đồng thời làm các hình ghép với nhiều nhân vật quan trọng để dễ bề lừa gạt. Tuy chỉ học hết lớp 3 trường làng, nhưng đi đến đâu, Nhịn cũng nhận mình là vừa tốt nghiệp ĐH ở Paris (Pháp) trở về nước để làm ăn.

Với thủ đoạn trên, nhiều người đã tin tưởng tìm đến nhờ vả Nhịn, trong đó có cả các “đại gia” với những dự án bạc tỷ lẫn những người dân đang khiếu kiện đòi nhà đất... Sau khi nhận hồ sơ, hứa hẹn giải quyết, Nhịn thường đề nghị bồi dưỡng công chạy hồ sơ, rồi lặn mất tăm.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Lê Thị Nhịn đã khai nhận một số phi vụ lừa đảo. Trong các vụ đó, Nhịn không quên tiết lộ “nhân thân đặc biệt” của mình để tạo lòng tin. Đầu năm 2005, Nhịn hứa lo vụ khiếu kiện tranh chấp mua bán nhà đất bằng giấy tay bất thành của ông Tô Văn T. (ngụ phường Tân Hưng, quận 7). Do quá tin vào lời đường mật của Nhịn, ông T. đã đưa bà ta từng đợt tiền, đến khi lên đến 132 triệu đồng thì Nhịn cao chạy xa bay.

Theo tố cáo của ông Nguyễn Thanh H., Tổng giám đốc một công ty cổ phần, ông đã tiếp cận với Nhịn để bàn việc làm ăn. Đáng lưu ý là vụ nhờ Nhịn tư vấn giúp ông bán một lượng vàng lớn của công ty có nguồn gốc nhập khẩu từ Thái Lan về; hoặc vụ dự án hợp tác làm ăn giữa công ty với một đối tác bên châu Phi có giá trị lên đến 45 triệu USD... Sau khi nhận vài triệu đồng tiền “trà nước” để nghiên cứu xấp hồ sơ được ông H. giao, Nhịn đề nghị vay 6 tỷ đồng để mua nhà. Song do ông H. không chịu giao nên Nhịn đào tẩu.

Ngoài ra, Nhịn còn liên quan đến một số vụ lừa đảo khác như lừa một cán bộ quân đội 18 triệu đồng, thiếu nợ một người ở quận 1 hơn 10 triệu đồng... Điều đáng nói là Nhịn còn nợ 7 tháng tiền thuê nhà, nợ hơn 10 người xe ôm, mỗi người gần 100.000 đồng tiền chở đi “công tác”...

(Theo Người Lao Động)