Luật hóa việc chuyển đổi giới tính còn gặp nhiều khó khăn
Báo Tiếng chuông - 11/04/2016
Việc chuyển đổi giới tính cần phải được thực hiện theo quy định của luật. Tuy nhiên, việc này phức tạp và còn nhiều vấn đề khác nhau. Hiện tại, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ông Nguyễn Thanh Tú, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư Pháp) đã cho biết như trên trong buổi họp báo quý I năm 2016 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 8/4, để trả lời các vấn đề các nhà báo quan tâm, như: thực hiện quyền chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, quy định "phạt tù người ngoại tình", việc bồi thường oan sai, hay các vấn đề xung quanh Luật Tiếp cận thông tin...

 

Việc chuyển đổi giới tính cần phải được thực hiện theo quy định của luật - Ảnh minh họa

 

Ông Nguyễn Thanh Tú cho hay, tại hội nghị cao cấp toàn cầu do tạp chí The Economist tổ chức mới đây, đại diện của Bộ Tư pháp đã trình bày những nỗ lực và tiến triển trong quy định của Việt Nam về vấn đề này và được hội nghị đánh giá rất cao. Tuy nhiên, trên thế giới hiện chưa có tới 20 quốc gia đưa ra quy định bảo vệ cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, song tính luyến ái và hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới (gọi tắt là LGBT). Đây là một vấn đề phức tạp, cần phải có sự nỗ lực của tất cả các quốc gia.

Trước đó, sáng 24/11/2015, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. Mặc dù, quyền được chuyển đổi giới tính đã được thừa nhận, nhưng việc áp dụng vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn. “Sắp tới, dưới sự chủ trì của Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Ban soạn thảo sẽ đi vào hoạt động, xây dựng ra các chính sách về LGBT”, ông Tú nói.

Liên quan đến quyền xác định lại giới tính, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học, nhằm xác định rõ giới tính.

Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan.

Về tính khả thi của việc xử lý tội vi phạm chế độ một vợ một chồng quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính cho biết, điều kiện để phạt hình sự trong trường hợp này bao gồm hai yếu tố: Làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt hành chính về vấn đề này mà còn vi phạm. Mức xử phạt bao gồm phạt cảnh cáo, phạt cảnh cáo không giam giữ đến 1 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Việc quy định khung khác nhau căn cứ vào bản chất và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong vụ việc. Cơ sở của quy định tại Điều 182 là việc hoàn thiện Điều 147 của Bộ luật Hình sự năm 1999.