Theo báo cáo của lực lượng CSÐT tội phạm hình sự (TPHS), Công an các địa phương, năm 2005, toàn quốc xảy ra 50.855 vụ phạm pháp hình sự, tăng 3,87% so với năm 2004.
Ðáng chú ý là ngoài loại tội phạm trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tăng cao, thì các loại tội phạm gây án nghiêm trọng cũng có xu hướng gia tăng, như giết người do nguyên nhân xã hội, giết người cướp tài sản, cướp tài sản...
Ðịa bàn xảy ra các vụ trọng án vẫn chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố trọng điểm. Vẫn tồn tại những băng nhóm tội phạm hình sự hoạt động lưu động giữa các vùng miền; các băng nhóm lưu manh côn đồ, đâm thuê, chém mướn; tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu xã hội đen có biểu hiện hoạt động trở lại.
Các đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài có xu hướng gia tăng với sự tham gia của một số đối tượng là người nước ngoài; các đường dây mại dâm "gái gọi", các tụ điểm sử dụng ma túy tổng hợp (thuốc lắc), các đường dây cờ bạc, cá độ bóng đá diễn biến hết sức phức tạp gây dư luận nhức nhối tại nhiều địa phương. Nhất là vụ cờ bạc, bán độ có sự móc nối giữa các đường dây cá độ với một số cầu thủ đội tuyển bóng đá U23 tại SEA Games 23, gây bất bình trong nhân dân cả nước...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên, song đáng chú ý là: Bên cạnh những mặt tích cực của nền kinh tế thị trường với cơ chế mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì mặt trái của nó đã tác động nhiều đến đời sống xã hội như tình trạng thất nghiệp, sự thoái hóa về phẩm chất đạo đức, lối sống của một số người, nhất là trong thanh niên, thiếu niên...
Mặt khác, công tác quản lý kinh tế, xã hội còn có sơ hở, thiếu sót; công tác giữ gìn TTATXH có nơi, có lúc chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, chưa huy động được các lực lượng và quần chúng tham gia; sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của nhân dân chưa được phát huy triệt để vào công tác phòng, chống tội phạm.
Công tác quản lý nhà nước về ANTT còn một số hạn chế và bất cập, nhất là trong quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý ngành nghề kinh doanh đặc biệt, quản lý vũ khí vật liệu nổ...
Trước tình hình TPHS và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp như đã nêu trên, năm qua, với tinh thần tận tụy, ý chí tiến công, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, lực lượng CSÐTTPHS đã thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tội phạm, được thể hiện trên hai mặt công tác cơ bản là tham mưu hướng dẫn và trực tiếp đấu tranh. Ðã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Công an các cấp đề xuất với Ðảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp, chương trình phòng, chống tội phạm mang tính chiến lược, kiến nghị với các cấp, các ngành có những biện pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống loại tội phạm này. Lực lượng CSÐTTPHS được giao trực tiếp đấu tranh với gần 70% các loại tội phạm do cơ quan CSÐT tiến hành.
Ðối tượng đấu tranh đa dạng, nhiều loại, trong đó có các băng ổ nhóm lưu manh chuyên nghiệp, nguy hiểm, có vũ khí, hoạt động manh động, các tổ chức tội phạm hoạt động tinh vi, xảo quyệt, làm cho cuộc đấu tranh ngày càng trở nên gay go, quyết liệt.
Năm qua, lực lượng CSÐT TPHS công an các địa phương đã điều tra khám phá 34.937 vụ, đạt tỷ lệ 68,7% (cao hơn năm 2004 với 55%), trong đó các vụ trọng án đạt tỷ lệ cao hơn. Ðã hoàn thành hồ sơ chuyển Viện Kiểm sát truy tố 28.145 vụ. Triệt phá được hơn 4.000 băng ổ nhóm tội phạm và hàng nghìn vụ cờ bạc, mại dâm, trong đó có các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen, như băng nhóm "Ðồi hoa mai" do Nguyễn Thanh Gương (tức Hai Chi) ở Bình Thuận, cầm đầu...
Mặc dù việc bắt đối tượng có lệnh truy nã là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nguy hiểm, nhưng các chiến sĩ CSÐT hình sự năm 2005 đã bắt, vận động đầu thú được 4.078 đối tượng, trong đó có 736 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc Cục trưởng CSÐTTPHS (Bộ Công an)
|