* Ông đánh giá như thế nào về hoạt động lữ hành du lịch trong những năm qua, việc xây dựng Nghị định mới này sẽ có gì mới so với những quy định cũ, thưa ông?
- Trong ngành du lịch, hoạt động lữ hành có vai trò rất quan trọng. Lữ hành giữ vai trò là vì trí động lực cho sự phát triển của ngành. Sự ra đời của Pháp lệnh Du lịch, Nghị định 27/CP và Thông tư 04 đã tạo ra một bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng trong lĩnh vực lữ hành. Tính đến tháng 8-2005, cả nước đã có 388 công ty lữ hành quốc tế (LHQT), hơn 10.000 công ty lữ hành nội địa (LHNĐ). Trong hơn ba năm qua, các sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố đã cấp mới trên 3.000 thẻ hướng dẫn viên (HDV), đưa số lượng HDV quốc tế đã được cấp thẻ lên hơn 5.500 người.
Mặc dù vậy, theo tôi qua một số năm triển khai Nghị định 27/CP đã nảy sinh một số vấn đề mới của thực tiễn. Một số quy định trọng Nghị định cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Do vậy, khi xây dựng Luật Du lịch trước đây và hiện nay đang soạn thảo Nghị định lữ hành mới để cụ thể hóa Luật Du lịch vừa được ban hành, những vấn đề mới về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch và vận chuyển khách du lịch đã được đưa vào. Đó là những vẫn đề: nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, mở rộng hoạt động lữ hành; vận chuyển khách du lịch và hướng dẫn du lịch.
* Cụ thể có những điểm mới nào trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành và mở rộng hoạt động lữ hành trong dự thảo Nghị định mới?
- Thứ nhất, trong dự thảo Nghị định mới sẽ quy định người lãnh đạo doanh nghiệp phụ trách kinh doanh lữ hành phải có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành (3 năm đối với lữ hành nội địa, 4 năm đối với lữ hành quốc tế). Sở dĩ có những quy định chặt chẽ này là vì hoạt động lữ hành gắn liền với các yếu tố về văn hóa, pháp luật, đến an ninh quốc gia, đến an toàn của du khách. Do vậy, người kinh doanh lữ hành phải có kiến thức và kinh nghiệm. Đây cũng là quy định của hầu hết các nước trong lĩnh vực lữ hành. Bên cạnh đó, việc quy định về kinh nghiệm của lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam có một trình độ nhất định ngay từ khi mới thành lập.
Điểm mới thứ hai là trong kinh doanh LHQT, dự thảo Nghị định sẽ phân biệt hai loại hình: kinh doanh lữ hành đón khách vào (Inbound) và kinh doanh lữ hành đưa khách ra nước ngoài (Outbound). Quy định này nhằm đẩy mạnh chuyên môn hóa trong kinh doanh lữ hành. Các doanh nghiệp lữ hành tùy năng lực, sở trường của mình có thể đăng ký kinh doanh chỉ Inbound hoặc Outbound hoặc đồng thời cả hai loại hình. Điều kiện kinh doanh, kể cả số lượng tiền ký quỹ, quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp LHQT cũng được quy định tùy theo loại hình kinh doanh đã đăng ký.
Điểm mới thứ ba là quy định về bảo hiểm cho khách du lịch. Đây là một nội dung hoàn toàn mới của Luật Du lịch cũng như của dự thảo nghị định hướng dẫn, có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự hội nhập của du lịch Việt Nam với thế giới và khu vực.
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể doanh nghiệp LHQT phải mua bảo hiểm du lịch bắt buộc cho khách du lịch ra nước ngoài là 50.000 USD, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải cử người của mình có đủ năng lực đi cùng đoàn để chăm sóc khách từ khi xuất cảnh đến khi nhập cảnh. Quy định như vậy để bảo đảm khách du lịch là người Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài được đối xử bình đẳng như khách du lịch của các nước khác.
Đối với khách quốc tế vào Việt Nam, khuyến khích họ mua bảo hiểm du lịch ở Việt Nam nếu họ chưa mua ở nước sở tại. Về khách nội địa cũng khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành mua bảo hiểm cho khách đi theo chương trình, đặc biệt là các chương trình du lịch mạo hiểm. Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về đại lý lữ hành, hợp đồng đại lý, trách nhiệm của bên giao và bên nhận đại lý để điều chỉnh hoạt động này. Bên cạnh đó cũng quy định chi tiết về doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh lữ hành tại Việt Nam theo hình thức liên doanh hoặc các hình thức khác.
* Thế còn đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch, dự thảo Nghị định có gì mới không?
- Trong dự thảo Nghị định mới này chúng tôi đã đưa ra những quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch. Cụ thể về phương tiện vận chuyển sẽ phải được tiêu chuẩn hóa. Tới đây, Tổng cục sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về tiêu chuẩn phương tiện vận chuyển. Đồng thời gắn sao cho các phương tiện vận chuyển. Tuy nhiên, đây là một vấn đề mới nên việc triển khai sau này cũng không dễ dàng, đặc biệt phương tiện vận chuyển không chỉ là xe ôtô mà còn bao gồm cả tàu thuyền và phương tiện thô sơ.
* Thưa ông, hướng dẫn viên là một nội dung cốt yếu của hoạt động lữ hành, vậy vấn đề này có gì mới trong dự thảo Nghị định sắp được trình Chính phủ?
- Nghị định sẽ quy định cụ thể có ba đối tượng tham gia hướng dẫn du lịch. Đó là hướng dẫn viên nội địa (phục vụ khách du lịch nội địa là người Việt Nam), hướng dẫn viên quốc tế (phục vụ khách quốc tế và khách nội địa là người nước ngoài) và thuyết minh viên (phục vụ tại các điểm du lịch).
Hướng dẫn viên nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định trong Luật và Nghị định sẽ được cấp thẻ hướng dẫn viên, nhưng chỉ được hành nghề hướng dẫn khi ký hợp đồng với một doanh nghiệp lữ hành. Thẻ hướng dẫn viên có giá trị hoạt động trong cả nước, có thời hạn ba năm. Khi hết hạn, hướng dẫn viên được đổi thẻ nếu có giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên do cơ quan nhà nước về du lịch có thẩm quyền cấp.
Đối với thuyết minh viên, Nghị định mới sẽ đề cập chi tiết đến quy trình đào tạo nghiệp vụ, thủ tục cấp thẻ và thể thức quản lý đội ngũ này cũng như sự phối hợp của ngành du lịch với cơ quan chủ quản của các cơ quan quản lý trực tiếp các khu du lịch, điểm du lịch có sử dụng thuyết minh viên.
|