Ðiều kiện, thủ tục vay vốn ngân hàng để kinh doanh
Các Website khác - 27/10/2005
Hỏi: Ðề nghị cho biết, muốn vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh thì cần có những điều kiện gì và thủ tục như thế nào?
Trả lời: Ðiều kiện vay vốn đối với khách hàng là tổ chức, cá nhân: Có tư cách pháp nhân hoặc giấy phép kinh doanh còn hiệu lực; có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo pháp luật hiện hành; có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; có vốn tự có tham gia vào phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; có khả năng hoàn trả nợ vay; có tài sản thế chấp, cầm cố bảo đảm cho các khoản vay hoặc được bên thứ ba bảo lãnh bằng tài sản hoặc được tín chấp theo quy định của ngân hàng.

Tài sản thế chấp, cầm cố bảo đảm cho khoản vay thuộc sở hữu của người vay hoặc của người bảo lãnh gồm: bất động sản (nhà ở, nhà xưởng, quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất); động sản (máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa, phương tiện vận tải); chứng từ có giá (sổ tiết kiệm, trái phiếu, công trái); tài sản hình thành từ vốn vay trung dài hạn.

Thời hạn và phương thức cho vay ngắn hạn: Căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn, tính chất luân chuyển vốn và khả năng trả nợ, thời hạn cho vay tối đa không quá 12 tháng.

Phương thức cho vay có thể là vay món (được rút vốn một lần hoặc nhiều lần, vốn trả một lần khi đáo hạn, trả lãi hằng tháng), vay trả góp (được rút vốn một lần, vốn và lãi được trả cố định phân theo kỳ tháng hoặc quý) hoặc vay theo hạn mức tín dụng (được rút vốn nhiều lần, được bảo lãnh thanh toán, mở L/C (thư bảo đảm) trong phạm vi hạn mức tín dụng được thông báo và trong thời gian hiệu lực của hạn mức. Vốn được hoàn trả một lần hoặc nhiều lần. Lãi trả hằng tháng hoặc hằng quý.

Vay trung hạn và dài hạn: Căn cứ nhu cầu sử dụng vốn và khả năng hoàn trả nợ vay, thời hạn cho vay trung hạn từ một năm đến 5 năm, dài hạn trên 5 năm. Phương thức cho vay theo dự án, phương án đầu tư. Giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án. Vốn và lãi được hoàn trả theo các phân kỳ trả nợ: tháng, quý, năm. Có thời gian gia hạn trả nợ trong thời gian dự án/phương án chưa có doanh thu để trả nợ.

Hồ sơ vay vốn bao gồm: giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu của ngân hàng); hồ sơ pháp nhân, giấy phép kinh doanh; dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, kế hoạch trả nợ; hồ sơ tài sản thế chấp, cầm cố; hồ sơ tài liệu khác theo yêu cầu của ngân hàng.

ÐOÀN NGỌC TRÂM
(Ngân hàng Công thương Việt Nam)

--------------------

Chế độ, chính sách và trách nhiệm của học viên quân đội học tại các trường ngoài quân đội

Hỏi: Ðề nghị báo cho biết chế độ, chính sách và trách nhiệm của học viên quân đội học tại các trường ngoài quân đội.

Trả lời: Thông tư liên tịch số 119/2005 ngày 25-8-2005 của Bộ Quốc phòng - Bộ Giáo dục và Ðào tạo - Bộ Kế hoạch và Ðầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách và quy định trách nhiệm của học viên quân đội học tại các trường ngoài quân đội như sau:

Học viên quân đội học tại các trường ngoài quân đội trong nước được bảo đảm sinh hoạt phí như học viên đang đào tạo tại các trường trong quân đội, bao gồm lương, phụ cấp, tiền ăn, quân trang, bảo hiểm y tế, nhà ở và các chi phí khác liên quan đến sinh hoạt.

Học viên quân đội học ở các trường ngoài quân đội nếu đủ tiêu chuẩn cấp học bổng thì được hưởng học bổng theo quy định chung của Nhà nước đối với sinh viên.

Học viên quân đội học ở nước ngoài được bảo đảm các chế độ: học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, tiền vé máy bay khi đi và về nước theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 88/2001/BTC-BGD và ÐT-BNG ngày 6-11-2001 của Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Ðào tạo - Bộ Ngoại giao.

Trường hợp phía nước ngoài bảo đảm một phần hoặc toàn bộ các chế độ nêu trên, học viên quân đội không được hưởng những chế độ đã được phía nước ngoài bảo đảm, hoặc chỉ được hưởng phần chênh lệch, nếu mức được bảo đảm thấp hơn mức quy định tại Thông tư liên tịch số 88/2001/BTC-BGD và ÐT-BNG.

Trong thời gian học ở trường ngoài quân đội và học ở nước ngoài, học viên quân đội được hưởng các chế độ, chính sách như đối với quân nhân tại ngũ; nếu là sĩ quan, cán bộ đi học hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được xét thăng quân hàm, nâng lương theo quy định hiện hành.

Học viên quân đội trước khi đi học, nếu là hạ sĩ quan, chiến sĩ, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng tốt nghiệp các trường ngoài quân đội và nước ngoài, khi ra trường căn cứ kết quả học tập và mục tiêu đào tạo, được xét phong quân hàm sĩ quan, xếp lương quân nhân chuyên nghiệp, hoặc xếp lương công chức quốc phòng.

Sau khi tốt nghiệp, học viên phải chấp hành sự phân công công tác của Bộ Quốc phòng, trường hợp không chấp hành sẽ bị xử phạt theo Ðiều lệnh quản lý bộ đội của Quân đội Nhân dân Việt Nam và chịu trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ kinh phí đã cấp, hoặc học bổng do phía nước ngoài cấp đã được hưởng trong thời gian đào tạo theo quy định tại Nghị định số 54/2005/NÐ-CP ngày 19-4-2005 của Chính phủ "về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức".

Trường hợp học viên quân đội không thực hiện đúng cam kết theo quy định của nhà trường và bị kéo dài thời gian học tập so với quyết định của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Giáo dục và Ðào tạo), thì học viên phải chịu mọi chi phí đào tạo cho đến khi nhận được bằng tốt nghiệp.

Trường hợp đặc biệt vì lý do khách quan dẫn tới thời gian học tập cần được kéo dài hoặc có đủ tiêu chuẩn để chuyển tiếp sinh, học viên phải có đơn trình bày gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Ðào tạo; nếu học viên thuộc chương trình hợp tác trực tiếp của Bộ Quốc phòng thì gửi đơn về Bộ Quốc phòng và có xác nhận của nhà trường và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại (trường hợp học viên học tại nước ngoài có cơ quan đại diện) để xem xét, quyết định. Khi Bộ Quốc phòng có quyết định đồng ý cho tiếp tục học thì học viên mới được chuyển tiếp sinh, hoặc tiếp tục học tập.

Luật sư TRẦN NAM