Qua cuộc đối thoại thẳng thắn
Ðầu tháng 8, trên công trường xây dựng tuyến tàu điện ngầm thứ 9 của thủ đô Seoul (Hàn Quốc), chúng tôi đã có cuộc trao đổi ý kiến cởi mở về vấn đề quản lý lao động xuất khẩu với các đối tượng trực tiếp liên quan.
Gần 20 người tham gia, với thành phần khó có cuộc gặp nào đầy đủ hơn: đốc công Hàn Quốc và tất cả 13 công nhân Việt Nam đang làm việc theo chế độ tu nghiệp sinh; đại diện phía cung ứng lao động Việt Nam là Công ty hợp tác lao động nước ngoài (LOD) và đại diện đơn vị phân phối lao động xây dựng là Công ty CIMA, một đối tác của LOD tại Hàn Quốc.
Với câu hỏi vì sao không ít lao động bỏ hợp đồng ra ngoài, công nhân Trần Châu Tuấn nói: "Ðể đi lao động xuất khẩu phải tốn quá nhiều tiền, cụ thể là 150 triệu đồng. Làm hai năm, chưa tích lũy được bao nhiêu, cho nên tìm cách ở lại kiếm thêm".
Về con số 150 triệu đồng, theo anh Trương Văn Nguyên, cán bộ văn phòng đại diện của LOD tại Hàn Quốc, chưa đủ cơ sở kiểm chứng. Thể hiện trên chứng từ, LOD nhận của người lao động hơn 90 triệu đồng, trong đó có 60 triệu đồng tiền đặt cọc (người lao động hết hạn trở về đúng hợp đồng sẽ nhận lại) và hơn 30 triệu đồng chi phí khác theo đúng các quy định hiện hành: "Tôi đã hỏi một số cháu cùng quê sang đây lao động, đã chi cho ai ngoài số tiền nói trên, để tìm cách đòi lại. Tuy nhiên, không cháu nào đưa ra một địa chỉ cụ thể".
Trong cuộc gặp hôm nay, chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi tương tự, nhưng không nhận được câu trả lời. Công nhân Phạm Văn Năm cho rằng, nếu được lao động ba năm ở Hàn Quốc, sẽ không ai bỏ hợp đồng. Theo một số cán bộ quản lý lao động, điều này có thể đúng với những tu nghiệp sinh xây dựng có mặt hôm nay, nhưng chưa đủ để lý giải hiện tượng tu nghiệp sinh công nghiệp, thời hạn lao động ba năm vẫn rất nhiều người bỏ hợp đồng (có lúc tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng ra ngoài chiếm một phần ba)...
Nhân cuộc gặp này, kỹ sư đốc công Li-sâng-chin đề nghị có vài lời với nhóm công nhân:
- Tôi xin mở đầu bằng một câu hỏi thẳng thắn, các anh có bỏ ra ngoài không?
- Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết thời hạn hợp đồng ở đây. Còn sau đó thì rất khó nói - anh Nguyễn Văn Dương, một công nhân ngoài ba mươi tuổi trả lời.
- Các anh suy nghĩ cho kỹ. Trốn là bất hợp pháp. Ra ngoài, nếu gặp được ông chủ tốt thì tạm ổn. Trường hợp đau ốm hoặc bị chủ đánh đập, quỵt tiền công không thể báo cảnh sát được, sẽ rất khó khăn.
- Chúng tôi đã biết điều này và trong điều kiện cụ thể thì đành chấp nhận...
Qua đây, chúng tôi nhận thấy không ít công nhân vẫn toan tính ở lại làm thêm và đó cũng là nguyên nhân gây bức xúc đối với phía bạn. Không chỉ đốc công Li-sâng-chin và đại diện của CIMA Chơn-song-hơn, mà Giám đốc điều hành lao động công nghiệp Sơ-chong-úc, người của Hiệp hội doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ Hàn Quốc gắn bó với LOD nhiều năm nay, cũng đánh giá: "Trước đây tỷ lệ tu nghiệp sinh công nghiệp bỏ hợp đồng xếp theo thứ tự cao nhất là Trung Quốc, Bangladesh rối đến Việt Nam. Kỷ cương lao động xuất khẩu của Trung Quốc đã có bước chấn chỉnh mạnh mẽ. Còn lao động Bangladesh bị ngừng tiếp nhận bốn năm nay. Giờ đây, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ ra ngoài đang ở mức đứng đầu...".
Những vấn đề nêu ra hôm nay không mới, nhưng cái mới là nó diễn ra trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu lao động của Việt Nam đang gia tăng và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này của các nước trong khu vực đã được nâng cao. Và theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ (phần trăm) lao động Việt Nam bỏ ra ngoài cư trú bất hợp pháp so với các nước trong khu vực thường cao hơn ở mức hai con số, nhất là ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Ðây chính là điều đáng quan tâm nhất hiện nay.
Tín hiệu mới và một số đề xuất
Tham tán, Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc Ðào Công Hải cho rằng quản lý lao động bằng những biện pháp thông thường như lâu nay đã làm là đúng nhưng chưa đủ. Nếu không có biện pháp mạnh hơn để khắc phục tình trạng lao động bỏ hợp đồng thì dễ mất cơ hội, giảm thị phần, gây thiệt hại không nhỏ (hiện giờ tại Hàn Quốc, nước ta có ba vạn lao động, mỗi tháng trung bình một người để dành gửi về nhà 600 USD, tổng cộng 18 triệu USD/tháng).
Ðiều đáng nói là đã và đang có những giải pháp tích cực nhằm hạn chế tình trạng nói trên, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Về phía Hàn Quốc, đã có luật về cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8-2004 cho phép chủ DN tuyển lao động nước ngoài có tổ chức, do cơ quan chính phủ quản lý. Với luật mới, cùng với tiếp nhận lao động tu nghiệp sinh, Hàn Quốc tiếp nhận lao động bình thường (không thuộc dạng tu nghiệp), chi phí ban đầu của người lao động bỏ ra thấp hơn, quyền lợi nhiều mặt được bảo đảm hơn và đến nay, Việt Nam đã có hơn 4.000 lao động đầu tiên đang làm việc ở Hàn Quốc theo quy chế này.
Ðồng thời, Hàn Quốc thực hiện một số quy định bổ sung như xử phạt chủ DN thuê lao động bất hợp pháp, cho phép lao động chuyển chủ trong trường hợp bị đối xử tồi tệ, mặt khác xử phạt lao động bỏ hợp đồng...
Về phía Việt Nam, cùng với việc tiếp tục thực hiện nhiều quy định trước đây, ngay trong quá trình khẩn trương xây dựng luật về xuất khẩu lao động để trình Quốc hội trong năm 2006, Chính phủ đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm ban hành một nghị định về quản lý lao động làm việc ở nước ngoài. Trong đó có nhiều quy định mới về trách nhiệm của người lao động và trách nhiệm của các tổ chức liên quan, cũng như các biện pháp, chế tài xử phạt đủ mạnh có tác dụng giáo dục, răn đe, khắc phục tình trạng lao động bỏ hợp đồng. Sẽ chấm dứt tình trạng lao động bỏ hợp đồng ảnh hưởng uy tín ngành hợp tác lao động và quyền lợi người đi sau, cuối cùng vẫn được xử sự như người chấp hành đúng hợp đồng.
Thực hiện các giải pháp mới này kết hợp phát huy kinh nghiệm hơn mười năm hợp tác lao động với Hàn Quốc, nhất định tình hình được cải thiện...
Qua các cuộc trao đổi nói trên, chúng tôi ghi nhận thêm một số ý kiến, có khi là ngoài lề nhưng rất đáng chú ý. Cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn lao động và tăng cường quản lý lao động, cần coi trọng đúng mức chính sách "hậu" lao động xuất khẩu. Không chỉ quan tâm sắp xếp việc làm (nhất là trong các công ty liên doanh của Hàn Quốc) mà cả hướng nghiệp nữa. Chẳng hạn, chỉ cần từ 5 đến 10% số người lao động trở về, sử dụng số vốn ban đầu vài ba trăm triệu đồng mở các DN nhỏ, đã có thể tạo thêm hàng vạn việc làm trong nước.
Trong thực tế, người lao động nào xác định rõ ràng mục tiêu "hậu" lao động xuất khẩu, thường là làm việc tốt và có ý thức chấp hành đúng hợp đồng. Về lâu dài, tiến tới xuất khẩu lao động có nghề, xuất khẩu chuyên gia thì vấn đề này sẽ được giải quyết thuận lợi hơn.
QUANG TUẤN
|