Công an đã phát hiện, bắt giữ 10.083 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm và tội phạm kinh tế khác (tăng 2.948 vụ so với năm 2004), thu giữ hàng hóa trị giá 818 tỷ đồng, truy thu, phạt thuế 235 tỷ đồng. Phát hiện, điều tra 1.051 vụ tham nhũng, làm thiệt hại 2.310 tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân (tăng 1.364 tỷ đồng so với năm 2004), thu hồi 750 tỷ đồng. Ðã khởi tố 1.384 vụ tham nhũng, buôn lậu với hàng nghìn đối tượng.
Kết quả đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu năm qua cho thấy, tình hình vi phạm và phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng, quỹ tín dụng, bảo hiểm, với thủ đoạn tinh vi và có xu hướng gia tăng về số vụ; nghiêm trọng về mức độ thiệt hại, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước. Một số đối tượng còn móc nối với các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh) lập các dự án "ma" về đầu tư xây dựng, mua sắm vật tư thiết bị để rút một khoản tiền lớn của Nhà nước rồi bỏ trốn.
Công an tỉnh Ðiện Biên khởi tố bị can đối với ba đối tượng nguyên là cán bộ ngân hàng đã chiếm đoạt hơn 4,1 tỷ đồng. Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố ba bị can là nhân viên ngân hàng quận 8 về tội tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an Phú Thọ khởi tố vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, khởi tố tám bị can, lập hồ sơ vay gần tám tỷ đồng của ngân hàng, không có khả năng thanh toán...
Tình trạng cố ý làm trái, tham ô trong một số bộ, ngành vẫn xảy ra. Trong ngành Bưu chính Viễn thông xảy ra nghiêm trọng, trong nhiều khâu liên quan công tác quản lý và kinh doanh. Qua một số vụ án được khám phá cho thấy, tình trạng này đã diễn ra khá phổ biến và thường xuyên ở nhiều bưu điện tỉnh, thành phố. Công an khám phá vụ cố ý làm trái, tham ô xảy ra tại Bưu điện tỉnh Hà Tây, Nghệ An trong việc in danh bạ điện thoại và một số ấn phẩm khác, trong đó một số đối tượng ngoài xã hội móc nối với nhân viên trong ngành bưu chính nhiều tỉnh, nâng khống giá trị hợp đồng in ấn, gây thiệt hại 15 tỷ đồng; vụ lắp đặt thiết bị camera, biển quảng cáo cho bưu điện 29 tỉnh, thành phố gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng tiếp tục diễn biến phức tạp, gây bất bình trong dư luận xã hội. Hầu hết các công trình xây dựng đều có thất thoát, tập trung chủ yếu trong các khâu đấu thầu, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng công trình. Nhiều công trình lớn phục vụ dân sinh đã bị các đối tượng "rút ruột" bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, để lại hậu quả khó lường. Công an Hà Nội bắt quả tang vụ tham ô vật tư xảy ra tại công trình xây dựng nhà chung cư khu Kim Giang A2 thuộc quận Thanh Xuân.
Công an Lào Cai khám phá vụ tham ô tài sản xảy ra trong thi công công trình xây dựng Cầu Phiệt (huyện Bảo Thắng), bắt quả tang ba đối tượng là cán bộ kỹ thuật và chỉ huy trưởng công trình, thuộc Công ty cổ phần xây dựng 4, "rút ruột" công trình, thu giữ tang vật là 50 cây sắt đường kính 19, dài 8,5m/cây .
Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai tiếp tục diễn ra chủ yếu ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, giá cả nhà đất biến động nhiều. Công an Hà Tây khám phá vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý và sử dụng đất đai ở xã Phú Cát, Quốc Oai, Hà Tây từ năm 1992 đến nay, thu lợi bất chính 5,3 tỷ đồng. Hồ Trọng Hiếu (nguyên Giám đốc Ðài phát sóng, phát thanh Quán Tre) vi phạm trong việc chia 1,5 ha đất cho cán bộ, công nhân viên; Hội đồng đền bù quận 12 (TP Hồ Chí Minh) chi 7,2 tỷ đồng tiền đền bù giải tỏa sai nguyên tắc. Những sai phạm của một số cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cho Công ty RUS-INVERT-TUR của Nguyễn Ðức Chi, thuê đất làm dự án khu du lịch, gây thất thoát 165 tỷ đồng.
Ngoài ra, lợi dụng việc được giao xây dựng các khu đô thị mới và sự biến động về giá cả nhà đất thuộc các khu vực mới quy hoạch, Ðào Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty phát triển nhà và đô thị cùng đồng bọn lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ chiếm đoạt 7,568 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng 1.892 m2 đất.
Tình trạng vòi vĩnh nhận hối lộ của một số cán bộ, công chức nhà nước thoái hóa biến chất mặc dù đã được dự báo là diễn biến phức tạp, nhưng công tác phát hiện, điều tra, khám phá đối với loại tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn, do thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, trong khi đó người đưa hối lộ mặc dù không mong muốn, thậm chí rất bức xúc nhưng ngại tố giác vì bản thân họ cũng có quyền lợi nhất định trong từng vụ việc, khi bị phát hiện thì cũng khó tránh khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Qua một số vụ việc được phát hiện cho thấy, tình trạng này diễn ra ngang nhiên, trắng trợn ở các lĩnh vực trọng điểm như bảo hiểm, thanh tra xây dựng, quản lý thị trường, thuế... Cục CSÐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt khẩn cấp Trần Nghĩa Vinh - Tổng giám đốc PIJICO cùng đồng bọn cố ý làm trái chiếm đoạt 3,8 tỷ đồng, trong đó nhận hối lộ 1,9 tỷ đồng. Công an Hà Nội bắt quả tang Trần Thị Liễu - cán bộ thanh tra tỉnh Nam Ðịnh nhận hối lộ.
Việc mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn thuế GTGT của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân tuy có giảm nhưng vẫn diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Công an TP Cần Thơ triệt phá đường dây doanh nghiệp "ma" liên tỉnh, bắt giữ 5 đối tượng mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn thuế GTGT, chiếm đoạt hơn bốn tỷ đồng. Công an tỉnh Hưng Yên bắt Ðoàn Minh Thiền, chủ doanh nghiệp tư nhân 1972 Văn Lâm - Hưng Yên; Ðào Hồng Phong - Trạm trưởng Vật tư xăng dầu Phố Nối ,đã mua bán 1.569 tờ hóa đơn thuế GTGT, lập hồ sơ khống để trốn thuế...
Lợi dụng quy định về thời gian ân hạn nộp thuế xuất nhập khẩu trong 30 ngày, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh được thành lập, nhập khẩu ồ ạt một khối lượng lớn hàng hóa , sau đó tổ chức tiêu thụ nhanh rồi giải thể công ty hoặc bỏ trốn. Hiện các doanh nghiệp còn nợ 2.900 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu nhưng khó có khả năng thu hồi.
Tình trạng lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động xuất hiện ngày càng nhiều và có thủ đoạn tinh vi. C15 khám phá vụ một số đối tượng tại Công ty hợp tác lao động nước ngoài - Tổng công ty dệt-may Việt Nam thu 400.000 USD của người đi tu nghiệp tại Nhật Bản để ngoài sổ sách chia nhau. Buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2005 nhìn chung giảm so với năm 2004, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn trọng điểm. Nổi lên là tình trạng nhập máy móc nông ngư cơ, máy, phụ tùng ô-tô đã qua sử dụng, máy giặt cũ và buôn lậu điện thoại di động. Tình trạng chống người thi hành công vụ trong các vụ bắt giữ hàng nhập lậu xảy ra ở nhiều địa phương.
Lực lượng cảnh sát kinh tế các địa phương là đơn vị chủ công trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu. Ðể góp phần thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, nhất là, thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm, các đơn vị cảnh sát kinh tế cần nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực nghiệp vụ đáp ứng đòi hỏi của tình hình; phối hợp các bộ, ngành chức năng, các địa phương và nhân dân tập trung phát hiện, điều tra các vụ tham nhũng, buôn lậu, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm có tính quốc tế, tội phạm sử dụng và lợi dụng công nghệ cao, góp phần ngăn ngừa tham nhũng, buôn lậu và lãng phí trong thời gian tới.
|