Tại kỳ họp thứ tư, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VII diễn ra cuối tháng 7-2005, cử tri rất quan tâm và bức xúc về tình trạng lãng phí, sử dụng sai mục đích, chiếm dụng trái phép, tự ý chuyển đổi công năng mặt bằng, kho bãi, nhà xưởng thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố. Thu hồi số tài sản này phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân là việc cần làm ngay.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay TP Hồ Chí Minh có tổng diện tích mặt bằng, kho bãi khoảng 3,1 triệu m2, nằm rải rác khắp các quận, huyện. Chỉ tính riêng Công ty kho bãi thành phố (Tổng công ty địa ốc Sài Gòn) đang quản lý 97 điểm, với diện tích gần 190.000 m2, trong đó diện tích kho là 97.000 m2 và bãi là 93.000 m2. Đây là tài sản, nguồn vốn khá lớn của Nhà nước cần được quản lý và khai thác có hiệu quả, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng đáng tiếc, nhiều năm qua, do công tác quản lý yếu kém, trách nhiệm không rõ ràng, dẫn đến nguồn tài sản quý giá này bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, thậm chí bị chiếm dụng bất hợp pháp, chuyển đổi công năng, biến của công thành của riêng, gây thất thu cho ngân sách, bất bình cho nhiều đơn vị, cá nhân vốn đang cần mặt bằng, kho bãi, nhà xưởng để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở cho chương trình tái định cư và công trình công cộng, phục vụ quốc kế, dân sinh.
Tình trạng vi phạm trong quản lý mặt bằng, kho bãi thể hiện ở các "dạng" sau đây:
Thứ nhất, các đơn vị doanh nghiệp, cá nhân xin thuê và được thuê với giá đất rất "mềm", kho bình quân từ 20.000 đến 30.000 đồng/m2/ tháng, bãi càng "bèo" hơn, khoảng 3.600 đồng/m2/tháng. Sau đó tìm cách cho thuê lại với giá cao gấp nhiều lần để hưởng chênh lệch. Trắng trợn hơn, nhiều doanh nghiệp, cá nhân ký hợp đồng thuê với đơn vị quản lý kho bãi rồi "phớt lờ" không trả tiền thuê như trường hợp 16.000 m2 nhà, xưởng thuộc sở hữu Nhà nước tại số 33 Hương lộ 5, khu phố 1, thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh, nay là phường Anh Lạc, quận Bình Tân. Kho này do Công ty vật liệu xây dựng, thuộc Tổng công ty địa ốc Sài Gòn quản lý, ký hợp đồng cho DNTN Ánh Sáng thuê với giá 21 chỉ vàng/tháng từ tháng 9-1991, nhưng đến nay, bên cho thuê không nhận được xu nào. Doanh nghiệp này chẳng những không chịu thanh toán tiền thuê mặt bằng (Tổng cộng 3.070 chỉ vàng, trị giá thời điểm hiện nay khoảng 2,6 tỷ đồng), mà còn tranh chấp định chiếm dụng nhà xưởng của Nhà nước. Năm 2003, thanh tra thành phố năm lần mời giám đốc doanh nghiệp đến làm việc, nhưng cả năm lần chủ doanh nghiệp đều cố tình vắng mặt. Ngày 31-8-2004, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thu hồi mặt bằng nhà xưởng nói trên, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa thực hiện.
Thứ hai, thuê mặt bằng, kho bãi rồi tự ý "biến" thành nhà ở lúc nào không hay. Kiểm tra sơ bộ số kho bãi do Công ty kho bãi thành phố quản lý, đã phát hiện 18 kho bị 11 đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân thuê mướn rồi chiếm dụng bất hợp pháp, tự ý xây nhà kinh doanh. Điển hình là kho số 552 - Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, từ lâu đã bị Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà quận Bình Thạnh coi là của riêng mình, phân lô xây dựng 24 căn nhà kiên cố bán cho người mua. Tương tự, kho số 555 - Xô Viết Nghệ Tĩnh, năm 1991 Công ty kho bãi cho Công ty thương nghiệp tổng hợp quận Bình Thạnh thuê (diện tích hơn 2.000 m2). Vài năm sau, không rõ căn cứ vào đâu, UBND quận Bình Thạnh giao mặt bằng này cho Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà cải tạo thành khu nhà ở gồm 10 căn nhà ba tầng. Nhiều kho bãi khác ở các quận, 4, 5, 6, Tân Bình... cũng đang trong "quá trình" biến thành nhà ở. Điều trớ trêu là, không ít nhà xây dựng trái phép trên diện tích đất kho bãi, nhưng vẫn được cấp chủ quyền, giấy "hồng" (?!).
Thứ ba, tình trạng được Nhà nước giao quản lý, sử dụng không hết diện tích, bỏ hoang hóa nhiều năm liền. Kho số 20 đường Nguyễn Đăng Giai, phường Thảo Điền, quận 2, diện tích hơn 2.000 m2. Năm 1986, Công ty kho bãi cho Công ty đầu tư khai thác nước sông Sài Gòn thuê. Năm 1995, bên thuê tự ý ngừng hợp đồng, không trả tiền thuê, nhưng vẫn giữ kho để đấy, mặc cho cỏ mọc từ đó đến nay. Người dân sinh sống bên đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10 rất xót xa và bức xúc khi thấy hơn 10 năm nay, năm ha mặt bằng, kho bãi tại đây (do Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông quản lý), chỉ một phần diện tích được đưa vào sử dụng bằng cách cho thuê lại làm nơi rửa xe, giữ xe, kho hàng, phần lớn mặt bằng còn lại bỏ hoang hóa lâu ngày thành nơi chứa rác thải và tệ nạn xã hội mại dâm, ma túy hoạt động khi đêm xuống. Tại phường 7, quận 6, hàng chục ha trong tổng số hơn 121.000 m2 đất do Công ty rượu Bình Tây quản lý cũng "bỏ quên" từ nhiều năm nay chưa sử dụng hoặc thu hồi.
Thực hiện Quyết định số 80/2001 QĐ-TTg ngày 24-5-2001 của Thủ tướng Chính phủ, cho phép thành phố thí điểm xử lý, sắp xếp tài sản công trên địa bàn, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 80). Sau ba năm hoạt động, đã tiếp nhận báo cáo kê khai nhà đất của 1.648/1.882 đơn vị. Phân loại, lập phương án xử lý, sắp xếp lại quỹ nhà đất. 1.451 đơn vị với gần 6.500 điểm, địa chỉ cụ thể với tổng diện tích 135.000 m2 đất và hơn 11.000 m2 nhà. Thành phố đã ra quyết định thu hồi 34 mặt bằng, kho bãi sử dụng lãng phí, không đúng mục đích. Tổ chức đấu thầu, bán một số khu đất, nhà xưởng và chuyển quyền sử dụng đất cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu, bước đầu thu về cho ngân sách Nhà nước gần 5.000 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 80, thành phố Hồ Chí Minh quyết định kể từ ngày 31-12-2004, đơn vị nào không kê khai nhà đất sẽ không được hưởng cơ chế ưu đãi theo Quyết định 80. Trong quá trình sắp xếp lại mặt bằng, kho bãi, nếu phát hiện diện tích dôi dư, bỏ trống, hoặc sử dụng sai mục đích, vi phạm hợp đồng thuê mướn, thành phố sẽ thu hồi. Nhưng xem ra vẫn chưa đủ "đô" vì còn 238 đơn vị vẫn không chịu kê khai. Mới đây, thành phố lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ người dân, phát hiện những điểm, địa chỉ mặt bằng, kho bãi đang bị bỏ hoang, chiếm dụng trái phép, sử dụng sai mục đích để thành phố xử lý.
Đã đến lúc cần chấn chỉnh công tác quản lý mặt bằng, kho bãi, phân định rõ trách nhiệm, tính toán lại giá thuê hợp lý, tiếp tục rà soát, kiểm tra quy hoạch lại, thu hồi ngay những kho bãi bị chiếm dụng trái phép, sử dụng sai mục đích. Nghiêm trị, tổ chức cưỡng chế, đưa ra truy tố trước pháp luật đơn vị, cá nhân cố tình chây ỳ, chiếm dụng trái phép mặt bằng, kho bãi thuộc sở hữu Nhà nước làm của riêng mình.
|