Tiêu cực ở Petro VN là do quản lý lỏng lẻo
Các Website khác - 05/10/2005
Ông Phạm Quang Dự.

Hôm nay, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên sơ thẩm xét xử, nguyên phó tổng giám đốc Petro VN Nguyễn Quang Thường cùng 6 người khác về hành vi tham ô, với mức độ rất nghiêm trọng. Ông Phạm Quang Dự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petro VN đã trả lời về nguyên nhân của tiêu cực này.

- Thưa ông, nhìn những cán bộ của mình phải đứng trước vành móng ngựa vì tội tham nhũng, trong đó có cả những cán bộ cấp cao như nguyên phó tổng giám đốc Nguyễn Quang Thường, ông nghĩ sao?

- Thực sự tôi rất đau xót, nhưng đó chỉ là số rất ít trong số hàng chục nghìn cán bộ của ngành đang cần mẫn làm việc, làm giàu cho đất nước. Ngay số cán bộ phải ra tòa hôm nay, cũng có thời kỳ họ mê say làm việc. Song thật đáng tiếc, họ đã không giữ được mình...

- Người ta bảo tham nhũng bắt đầu từ nghèo khó. Có thể lý giải nguyên nhân thế nào khi mà thu nhập của cán bộ ngành dầu khí rất cao, cách biệt với các ngành khác?

- Chính tôi cũng nhiều lần tự đặt ra câu hỏi ấy. Vĩ nhân đã dạy, khi lợi nhuận 300% thì có treo cổ họ cũng lao vào. Ngoài lòng tham chắc có nguyên do công tác quản lý sơ hở mà Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã chỉ ra từ kết quả điều tra vụ án.

- Thưa ông, chính sự khép kín giữa chủ đầu tư - nhà thầu - giám sát đã tạo điều kiện cho tham nhũng. Nếu không có sự tiếp tay, che đỡ từ cấp cao thì không thể làm được việc này?

- Theo cáo trạng thì chưa có tài liệu nào thể hiện điều đó. Tôi nhấn mạnh thủ đoạn của họ trong vụ này là làm giả hợp đồng để rút tiền.

Nhưng quả thật ông Trần Ngọc Cảnh (phó tổng giám đốc khi đó, nay là Tổng giám đốc) đã ký phê duyệt vượt thẩm quyền, gấp 6 lần so với dự toán ban đầu là 500.000 USD thì mới có cơ hội cho chúng chiếm đoạt gần 1 triệu USD.

VKSND Tối cao cho rằng hành vi đó không phải là nguyên nhân chính gây thất thoát tài sản. Cá nhân tôi nghĩ rằng chắc cậu ấy (ông Trần Ngọc Cảnh) do nóng vội, mong muốn công việc giải quyết nhanh nên mới ký tắt quy trình. Nếu làm lại thủ tục từ đầu chắc cũng không vấn đề gì, nhưng như thế sẽ chậm.

- Thưa ông, đầu bài thầu yêu cầu chào giá chi tiết cho từng hạng mục, từng công đoạn sửa chữa giàn Đại Hùng I, nhưng ông Cảnh lại phê duyệt trọn gói gần 3 triệu USD dẫn tới Vietsovpetro trả thừa so với khối lượng công việc đã thực hiện nên Trần Quang (giám đốc Công ty Interpet) mới lợi dụng sơ hở để rút tiền?

- Sau khi sự việc xảy ra, hội đồng quản trị mới rà soát lại việc phê duyệt này của tổng công ty. Theo tôi việc thẩm định, trình ký sai quy trình và sơ hở đó có cả trách nhiệm của bộ phận tham mưu trong tổng công ty.

- Vậy ông giải thích thế nào khi cáo trạng của VKSND Tối cao đề nghị xử lý hành chính ông Trần Ngọc Cảnh về hành vi ký vượt thẩm quyền này mà đến nay đã gần nửa năm, việc kỷ luật ấy vẫn chưa làm?

- Thực sự tôi chỉ biết chuyện kiến nghị ấy qua... báo chí chứ Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dầu khí chưa hề nhận được bản cáo trạng. Tôi nghĩ không cấp quản lý cán bộ nào lại làm ngơ trước đề xuất của cơ quan tố tụng cả.

- VKSND tối cao đề xuất triệu tập ông Cảnh tới tòa, ông thấy sao?

- Tôi nghĩ đấy là quyền của tòa. Nếu xét thấy cần thiết thẩm vấn người có liên quan, tòa vẫn có thể triệu tập bổ sung và chúng tôi sẽ hết sức tạo điều kiện để anh Cảnh ra trước tòa để giải thích rõ. Tôi nghĩ mọi người sẽ hiểu và thông cảm thôi khi mọi chuyện được làm rõ.

- Thưa ông, trong một vụ án tham nhũng khác cũng trong ngành xảy ra ở kho cảng Thị Vải, dư luận băn khoăn, vì sao những bị can chủ chốt trong vụ án như Nguyễn Trọng Nhưng, Đặng Hữu Quý... gây hậu quả nghiêm trọng như vậy lại chỉ bị tổng công ty kỷ luật khiển trách, trong khi hành vi ấy đã mang dấu hiệu của tội phạm?

- Theo báo cáo của Hội đồng kỷ luật Tổng Công ty thì việc kiểm điểm và xử lý cán bộ thuộc quyền tại dự án này căn cứ kết luận của Thanh tra Nhà nước. Tôi cũng được báo cáo là các hình thức xử lý cán bộ đều được sự thỏa thuận của đoàn Thanh tra Nhà nước tại tổng công ty.

Thời điểm kỷ luật, những cán bộ đó cũng chưa bị đề nghị xử lý hình sự. Còn sau này, khi công an đi điều tra chắc phát hiện thêm nhiều chứng cứ khác nên mới khởi tố, điều tra.

- Hai vụ tham nhũng trong ngành dầu khí dồn dập xảy ra, đều cho thấy có sự khép kín, chia chác trong ngành. Là người đứng đầu, ông thấy cần có biện pháp gì để ngăn chặn, phòng ngừa chung?

- Bản thân Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của chúng tôi rất tích cực phối hợp với các cơ quan tố tụng làm rõ sự việc. Thật ra chúng tôi đâu có thích “khép kín”, nhưng do đây là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù nên thời kỳ đầu rất ít nhà thầu đủ khả năng tham gia các dự án trong ngành.

Để hạn chế, phòng ngừa chung, tôi nghĩ bên cạnh biện pháp giáo dục cán bộ, cần tăng cường việc thanh kiểm tra nội bộ và nâng cao năng lực chuyên môn trách nhiệm của bộ máy tham mưu, quản lý của Tổng công ty để các sơ hở, sai sót hoặc hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý sớm, trước khi cơ quan chức năng vào.

Mặt khác, trong đề án tập đoàn dầu khí sắp tới nên chăng tham khảo mô hình của Malaysia. Ở đó thanh kiểm tra nội bộ do Hội đồng quản trị trực tiếp điều hành sẽ tránh được việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

(Theo Tiền Phong)

Theo dòng sự kiện:
Ngày 5/10 xét xử vụ tham ô tại Vietsovpetro (27/09)
1 bị can vụ tham ô ở Vietsovpetro được đình chỉ điều tra (01/09)
Khởi tố tổng giám đốc OSC Việt Nam (31/08)
Trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ tiêu cực tại Vietsovpetro (04/08)
Tiếp tục bóc gỡ đường dây tham nhũng tại Petro VN (30/06)
Xem tiếp»