Tòa án TP HCM lúng túng vì bộ luật mới
Các Website khác - 20/12/2005

Áp dụng thời hạn nào tạm giam bị cáo có nhiều tội trạng khác nhau trong một vụ án; dừng phiên tòa để bổ sung chứng cứ theo quy định nào; kê biên tài sản của người có quyền lợi liên quan sao cho đúng... đang là những vướng mắc trong thực thi Luật Tố tụng Hình sự và Dân sự mới.

Theo ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TP HCM, Bộ luật Tố tụng Hình sự mới được chính thức thi hành từ 1/7/2004 nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể như việc quy định thời hạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử đối với các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khác nhau. Vì thế, trong thực tiễn xét xử, đã nảy sinh vấn đề là trong một vụ án có nhiều bị cáo bị truy tố về nhiều tội khác nhau, tòa lúng túng không biết áp dụng thế nào để không vi phạm quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử và thời hạn giam giữ đối với các bị cáo.

Cũng theo quy định về thời hạn xét xử, trong hình sự phúc thẩm, bộ luật mới quy định tòa án cấp tỉnh phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Nhưng không có điều luật nào quy định thời gian tố tụng, viện kiểm sát thụ lý, nghiên cứu hồ sơ. Vì vậy, không thể xác định được viện kiểm sát đọc hồ sơ phúc thẩm lúc nào, thời hạn viện được giữ hồ sơ là bao lâu. "Thực tế, có nhiều vụ án Viện giữ hồ sơ quá lâu, khi gần hết hạn xét xử phúc thẩm mới chuyển trả lại cho tòa. Điều đó làm thời gian nghiên cứu hồ sơ của thẩm phán bị rút ngắn hoặc tòa không thể xét xử trong thời gian luật định, dẫn đến án quá hạn, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo và nhiều người liên quan khác" - một lãnh đạo tòa Hình sự, TAND thành phố cho biết.

Thẩm phán gặp lúng túng trong áp dụng bộ luật mới. Ảnh: N.H

Bên cạnh đó, việc kê biên tài sản của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng không được luật quy định cụ thể, gây khó khăn trong quá trình giải quyết và thi hành án. Chẳng hạn, trong vụ án tham ô, lừa đảo, cố ý làm trái tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Thái Thị Thanh Liên đã chiếm đoạt hàng tỷ đồng để trả nợ cho bà Hứa Thị Phấn. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại không thể kê biên tài sản của bà Phấn để thu lại số tiền phạm pháp, trả lại cho ngân hàng, vì luật không quy định.

Ngoài ra, những quy định của luật về người bào chữa và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận người bào chữa, về đặt tiền hoặc tài sản có giá trị đảm bảo, việc triệu tập điều tra viên, trinh sát, người có quyền và nghĩa vụ liên quan... cũng không rõ ràng, gây khó khăn cho việc áp dụng.

Bộ luật Tố tụng Dân sự mới, cũng đang khiến ngành tòa án thành phố bối rối khi thực hiện dù đã có hiệu lực từ 1/1. Có cả chục vướng mắc mà ông Dương Bửu Chánh, Chánh tòa Dân sự tòa thành phố nêu ra. Chẳng hạn, tại phiên tòa sơ thẩm, đương sự bổ sung chứng cứ mới nhưng không được phía bên kia thừa nhận nên đã yêu cầu giám định. Trong khi đó, thời hạn cho phép tạm dừng phiên tòa chỉ trong 5 ngày. Khoảng thời gian này không thể có kết quả giám định. Do vậy, chủ tọa phiên tòa bó tay, không biết xử lý thế nào, nếu quyết định hoãn phiên tòa thì không biết áp dụng điều luật nào.

Một vướng mắc khác cũng được đề cập như trong vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn, Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 và cả Bộ luật tố tụng dân sự không có quy định cụ thể việc giải quyết ra sao. Khi thụ lý giải quyết, tòa không biết áp dụng ngành luật nào. Nếu áp dụng theo Luật Hôn nhân và gia đình thì giải quyết theo tính chất tài sản có trong thời kỳ hôn nhân, còn Bộ luật dân sự thì không. Do vậy, quyền và lợi ích của đương sự không được đảm bảo.

Cũng trong vụ án ly hôn, cha mẹ có tranh chấp nuôi con trên 9 tuổi nhưng tại thời điểm tranh chấp, con lại đang đi học ở nước ngoài. Tòa không biết có cần phải thực hiện ủy thác tư pháp để xem xét nguyện vọng của con hay không vì luật không hướng dẫn...

Những quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, công tác giám định, định giá, thủ tục tống đạt, hòa giải... cũng còn nhiều vướng mắc.

Lãnh đạo ngành tòa án thành phố sẽ có kiến nghị lên cơ quan cấp trên có hướng giải quyết.

S.N.