“Tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em đã đến mức báo động!”
Các Website khác - 19/08/2008
Đại tá Hoàng Tân Việt - Cục phó Cục CSĐTTP về TTXH
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTP về TTXH) - Bộ Công an, từ đầu năm 2008 đến nay các đơn vị công an địa phương đã phát hiện 193 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE) với 359 đối tượng phạm tội. Đáng lưu ý là tại các tỉnh phía Bắc xảy ra 144 vụ, các tỉnh phía Nam 49 vụ, nhiều nhất là các tỉnh Lai Châu (10 vụ), Điện Biên (7 vụ), Lào Cai (10 vụ), Lạng Sơn (12 vụ), Quảng Ninh (17 vụ)... Ngoài ra, còn có hàng ngàn phụ nữ tự ý hoặc thông qua môi giới vượt biên, cư trú trái phép ở Trung Quốc, Campuchia để làm ăn, lấy chồng hoặc các mục đích khác. Phần lớn các vụ BBPNTE đều do các tổ chức, đường dây tội phạm thực hiện với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt như: sử dụng mạng Internet để làm quen, dụ dỗ lên biên giới rồi lừa bán ra nước ngoài hoặc lợi dụng địa hình đồi núi vắng vẻ để đột nhập vào nhà giết người, chiếm đoạt trẻ em xảy ra tại Hà Giang. Đặc biệt là tình trạng buôn bán nam giới sang Trung Quốc để bóc lột sức lao động xảy ra ở Lào Cai và mua bán trẻ sơ sinh thậm chí cả bào thai đã xảy ra ở Hà Nội.

Trước những diễn biến phức tạp của bọn tội phạm BBPNTE, trong thời gian qua Cục CSĐTTP về TTXH đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo cho công an địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn, điều tra xử lý như: tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tấn công tội phạm góp phần kiềm chế sự gia tăng. Đến nay, trên toàn quốc đã xác định 49 tuyến, 182 địa bàn trọng điểm, đưa 3.048 đối tượng vào diện quản lý, dựng lại 325 đường dây với 654 đối tượng có biểu hiện hoạt động BBPNTE, đồng thời lên danh sách trên 7.000 phụ nữ, trẻ em đã bị buôn bán. Bên cạnh đó, còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng điều tra khám phá đường dây BBPNTE qua biên giới đạt được nhiều kết quả mong muốn. Lực lượng công an đã đánh trúng một số đường dây, băng nhóm tội phạm nghiêm trọng góp phần răn đe, ngăn chặn tội phạm có nguy cơ tiềm ẩn. Hầu hết phụ nữ, trẻ em bị buôn bán sang Trung Quốc, Campuchia đều sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh Bắc Bộ, Tây Nam Bộ có tuyến giáp ranh với biên giới. Do điều kiện kinh tế khó khăn, hoàn cảnh gia đình éo le, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin và bị lôi cuốn vào quá trình tìm kiếm việc làm ở thành phố và khu vực biên giới hoặc ở nước ngoài khiến cho nhiều người đã bị lừa gạt, buôn bán qua biên giới.

Trùm buôn người Phan Ngọc Hà được đưa về trại tạm giam
Một số vụ BBPNTE trong thời gian qua được lực lượng công an khám phá nổi bật là Công an Tiền Giang, Bến Tre phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá hai đường dây mua bán phụ nữ sang Malaysia và Ma Cau, đã giải cứu được hàng trăm phụ nữ trẻ đang được đem đi bán. Đối tượng cầm đầu trong đường dây mua bán phụ nữ sang Malaysia là Trần Thị Mỹ Phượng (SN 1972, ngụ phường 5, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Khi bán được một cô gái, Phượng cùng đồng bọn thu được 1.500 - 1.800USD, bọn chúng đã bán được 317 cô gái Việt Nam. Công an tỉnh Bến Tre cũng đã bắt giữ Phan Ngọc Hà (SN 1961, ngụ đường Lạc Long Quân, P3Q11, TP. Hồ Chí Minh) là trùm của đường dây buôn người sang Ma Cau. Theo thỏa thuận, phía bên Ma Cau sẽ chi cho Hà 1.400USD/cô gái để lo cho các chi phí vé máy bay, ăn ở tại Việt Nam. Sau khi trừ các chi phí, Hà chia cho các đối tượng chăn dắt từ 100 - 200USD cho một cô gái tùy theo chất lượng đẹp, xấu. Cho đến khi bị bắt, Hà đã bán được 7 cô gái sang Ma Cau.

Đại tá Hoàng Tân Việt cho biết: “Tội phạm BBPNTE đã đến mức báo động; các bậc làm cha, làm mẹ ngày càng phải có ý thức bảo vệ, quan tâm hơn nữa đối với con cái. Để đấu tranh phòng ngừa bọn tội phạm BBPNTE có hiệu quả, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong nhân dân về chính sách pháp luật liên quan đến phòng chống BBPNTE cũng như các thủ đoạn của bọn tội phạm để mọi người cần đề cao cảnh giác, kịp thời tố giác tội phạm. Đặc biệt, lực lượng công an cơ sở cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng có tiền án, tiền sự tại cộng đồng và luôn chú ý đến các đối tượng có hành vi chứa mại dâm, làm giấy tờ giả, tổ chức cho người trốn đi nước ngoài, môi giới kết hôn và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài một cách bất hợp pháp. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng có liên quan trong việc quản lý biên giới, cửa khẩu nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà bọn tội phạm thường lợi dụng trong việc làm hồ sơ, thủ tục xuất nhập cảnh đưa người trái phép qua biên giới”.
Bài, ảnh: NGUYỄN TẤN PHÁT