Trách nhiệm của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Các Website khác - 26/12/2005
Hỏi: Ðề nghị báo cho biết trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác quản lý và giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài?

Trả lời: Nghị định số 141/2005/NÐ-CP ngày 11-11-2005 của Chính phủ quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác quản lý và giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài như sau:

- Cử cán bộ đại diện doanh nghiệp kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động.

- Cùng với đối tác và người sử dụng lao động nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động trong các trường hợp: người sử dụng lao động thực hiện không đúng hợp đồng lao động đã ký với người lao động; người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro hoặc bị bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại danh dự, nhân phẩm; người lao động bị chết.

- Tư vấn, hỗ trợ người lao động trong trường hợp có tranh chấp về quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.

- Phối hợp đối tác, gia đình và người bảo lãnh vận động, thuyết phục người lao động đã bỏ trốn trở lại nơi làm việc theo hợp đồng. Nếu người lao động không thực hiện, doanh nghiệp phải báo cáo với Cục Quản lý lao động ngoài nước, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc các cơ quan khác được ủy nhiệm thực hiện chức năng lãnh sự của nước CH XHCN Việt Nam (gọi chung là Cơ quan đại diện Việt Nam) ở nước sở tại để xử lý theo quy định.

- Cung cấp thông tin cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để cấp giấy tờ cho người lao động về nước.

NGUYỄN PHƯƠNG
(Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

......................................................

Quản lý hồ sơ công chức

Hỏi: Ðề nghị báo cho biết, cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm lập và quản lý những hồ sơ nào của công chức?

Trả lời: Theo Thông tư số 09/2004 ngày 19-2-2004 của Bộ Nội vụ, cơ quan sử dụng công chức theo thẩm quyền phân cấp có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ cá nhân của công chức, bao gồm:

- Bản khai lý lịch gốc và các bản lý lịch do công chức tự khai theo mẫu quy định, giấy khai sinh;

- Các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng (bản sao có công chứng);

- Các quyết định tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nâng bậc lương;

- Phiếu đánh giá công chức hằng năm;

- Cập nhật các hồ sơ khác phát sinh trong quá trình công tác, những thay đổi trong lý lịch;

- Các tài liệu thẩm tra, xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nguồn gốc xuất thân, quá trình công tác, khen thưởng, kỷ luật, các bản giải trình;

- Các bản kiểm điểm cá nhân, bản giải trình đơn khiếu nại, tố cáo, bản báo cáo thành tích để khen thưởng.

Hồ sơ ban đầu của công chức được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương trở lên là hồ sơ dự thi nâng ngạch hoặc hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm ngạch do Bộ Nội vụ quản lý, bao gồm: Tóm tắt sơ yếu lý lịch có ảnh 3 cm x 4 cm của cá nhân công chức, các bản sao văn bằng, chứng chỉ các khóa đào tạo, bồi dưỡng có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền, bản sao Quyết định nâng bậc lương gần nhất, văn bản nhận xét đối với công chức dự thi trong thời gian ba năm gần nhất của cấp quản lý trực tiếp.

Hồ sơ dự thi nâng ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương của công chức sau khi kết thúc kỳ thi được Hội đồng thi nâng ngạch giao trả về cho cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức lưu giữ.

HOÀNG BÌNH
(Bộ Nội vụ)

......................................................

Chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh

Hỏi: Theo Nghị định mới của Chính phủ, thương binh, bệnh binh được hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi như thế nào?

Trả lời: Theo Nghị định số 147/2005/NÐ-CP ngày 30-11-2005 của Chính phủ thì đối với thương binh loại B; thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt: Mức trợ cấp và phụ cấp tương ứng với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

Người phục vụ thương binh, thương binh loại B ở gia đình: Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: 355.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng: 460.000 đồng; trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên từ trần: 200.000 đồng; trợ cấp tuất nuôi dưỡng đối với thân nhân của thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên từ trần: 420.000 đồng.

Bệnh binh: Suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 50%: Trợ cấp 374.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 51% đến 60%: 456.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 70%: 593.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 71% đến 80%: 684.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 81% đến 90%; 820.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 91% đến 100%: 912.000 đồng. Ðối với bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng thêm mức phụ cấp 180.000 đồng; bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có bệnh đặc biệt nặng được hưởng thêm mức phụ cấp 355.000 đồng.

Người phục vụ bệnh binh ở gia đình: Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: 355.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có bệnh tật đặc biệt nặng: 460.000 đồng.

Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên từ trần: 200.000 đồng; trợ cấp tuất nuôi dưỡng đối với thân nhân của thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên từ trần: 420.000 đồng.

Luật sư KIM NGA