Hỏi: Tôi có một vụ kiện tranh chấp hợp đồng kinh tế với bên đối tác. Vậy có thể nhờ trọng tài giải quyết không? Quyết định của trọng tài là chung thẩm, bắt buộc các bên phải thi hành, có đúng không?
Trả lời: Các tranh chấp về hoạt động thương mại (trong đó có hợp đồng kinh tế) được giải quyết theo hai cách: Tòa án hoặc Trọng tài thương mại.
Quyết định giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hiện nay đúng là quyết định chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành (theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại của UB Thường vụ Quốc hội số 13/PL-UBTVQH 11 thông qua ngày 14-1-2004).
Ngoài lợi ích trên, theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2003, thì việc giải quyết tranh chấp về hoạt động thương mại bằng con đường trọng tài còn có nhiều thuận lợi khác như: Thủ tục linh hoạt (các bên có thể thỏa thuận cùng chọn trọng tài xét xử) và thời gian giải quyết nhanh nếu các bên cung cấp đầy đủ chứng cứ; các bên có quyền thỏa thuận địa điểm giải quyết vụ tranh chấp để thuận tiện cho các bên; các bên có thể thỏa thuận tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp ngay cả đối với hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài; giải quyết tranh chấp không công khai tránh nguy cơ mất uy tín cho các bên; có thể yêu cầu tòa án hỗ trợ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, kê biên hoặc cấm chuyển dịch tài sản tranh chấp...).
Quyết định của Trung tâm Trọng tài thương mại là quyết định chung thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị; quyết định của trọng tài có hiệu lực kể từ ngày công bố. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định trọng tài, nếu một bên không tự nguyện thi hành, bên được thi hành quyết định trọng tài có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cấp tỉnh thi hành.
Hiện nay cả nước có ba trung tâm trọng tài thương mại: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Tại TP Hồ Chí Minh, trụ sở trung tâm Trọng tài thương mại đặt tại số 460 Cách Mạng Tháng Tám, phường 4, quận Tân Bình - Điện thoại: 08-8446975.
..............................................................
Chế độ với người nhiễm HIV/AIDS và người trực tiếp chăm sóc
Hỏi: Người nhiễm HIV/AIDS và cán bộ, y, bác sĩ trực tiếp chăm sóc người bệnh tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước được hưởng chế độ trợ cấp như thế nào ?
Trả lời: Theo Quyết định số 313/2005/QĐ-TTg ngày 2-12-2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người trực tiếp quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước, người nhiễm HIV/AIDS và cán bộ, y, bác sĩ trực tiếp chăm sóc người bệnh tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước được hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp cụ thể như sau:
- Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, không nơi nương tựa, tự nguyện và hiện đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước được cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng thấp nhất là 140.000 đồng/người/ tháng; hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội mức 100.000 đồng/người/năm. Ngoài trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng, người bệnh ở cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Nhà nước quản lý được hưởng thêm trợ cấp để mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày; trợ cấp mua thuốc chữa bệnh thông thường; trợ cấp mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập đối với trẻ em đi học phổ thông, bổ túc văn hóa; trợ cấp hằng tháng vệ sinh cá nhân đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ; trợ cấp mai táng phí (mức trợ cấp do chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định).
- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước được hưởng trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng thấp nhất bằng 210.000 đồng/trẻ em/tháng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ như đã nêu trên.
- Người nhiễm HIV/AIDS sống tại cộng đồng, do xã, phường quản lý, không còn khả năng lao động, không có nguồn thu nhập, thuộc hộ gia đình nghèo được hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên thấp nhất là 65.000 đồng/người/tháng (do UBND xã, phường quản lý).
- Cán bộ, viên chức làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS bị phơi nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được nghỉ việc để điều trị, được xét nghiệm và điều trị miễn phí bằng thuốc đặc hiệu và hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội khác (theo quy định tại Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg ngày 16-12-2003 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp).
- Cán bộ, viên chức y tế làm các công việc trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước được hưởng mức phụ cấp 50% trên mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
..............................................................
Hỏi: "Xin cho biết về trình tự, thẩm quyền và giá trị pháp lý của kiến nghị do tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước thực hiện".
Trả lời:
Theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14-1-1998 của Liên Bộ Tư pháp - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành Quyết định số 734/TTg ngày 6-9-1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách và Thông tư số 07/1998/TT-BTP ngày 5/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về công tác quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý thì kiến nghị là một phạm vi hoạt động của tổ chức trợ giúp pháp lý. Khi thực hiện trợ giúp cho đối tượng nếu có cơ sở khẳng định việc giải quyết của cơ quan hoặc người có thẩm quyền không đúng với quy định của pháp luật, tổ chức trợ giúp pháp lý có thể trao đổi trực tiếp với cơ quan hoặc người có thẩm quyền để làm rõ và tìm biện pháp khắc phục, trong trường hợp cơ quan hoặc người có thẩm quyền thụ lý vụ việc không giải quyết thì tổ chức trợ giúp pháp lý thực hiện việc kiến nghị theo trình tự, thẩm quyền như sau:
1. Đối với vụ việc trợ giúp pháp lý:
- Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp kiến nghị đối với vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức cấp huyện, xã;
- Các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, giám đốc trung tâm kiến nghị và đề xuất giám đốc Sở Tư pháp kiến nghị;
- Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức, cơ quan trung ương, khi thấy cần thiết Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp kiến nghị và đề xuất Cục Trợ giúp pháp lý kiến nghị;
- Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý kiến nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của trung ương và địa phương giải quyết đối với vụ việc trợ giúp pháp lý do Cục thực hiện.
2. Trong trường hợp phát hiện có văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn và không phù hợp với thực tế:
- Giám đốc trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp trực tiếp kiến nghị hoặc đề xuất với Sở Tư pháp kiến nghị Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp đối với văn bản pháp luật do địa phương ban hành; đề xuất với Cục Trợ giúp pháp lý để Cục trưởng đề xuất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đối với văn bản do tổ chức, cơ quan trung ương ban hành;
- Đối với các văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn và không phù hợp với thực tế mà Cục Trợ giúp pháp lý phát hiện trong quá trình thực hiện trợ giúp thì Cục trưởng trực tiếp kiến nghị với cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc đề xuất với Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nếu văn bản pháp luật đó do tổ chức, cơ quan trung ương ban hành.
Giá trị pháp lý của kiến nghị do tổ chức trợ giúp pháp lý thực hiện về nguyên tắc chỉ mang tính khuyến cáo, đề nghị các cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Theo báo cáo của Cục Trợ giúp pháp lý, đến nay tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện trên 5.000 kiến nghị, nhiều cơ quan, tổ chức hữu quan đã có sự phối hợp tích cực chặt chẽ trong việc giải quyết vụ việc, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng trợ giúp pháp lý được tôn trọng trên thực tế, tuy nhiên cũng còn có những vụ việc chưa được xem xét một cách thấu đáo hoặc thậm chí rơi vào sự im lặng. Nhằm đề cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 1-3-2000 về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý, trong đó quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị trực thuộc, khi nhận được văn bản kiến nghị của các tổ chức trợ giúp pháp lý phải xem xét, giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.
|