Vietnam Airlines còn có thể khởi kiện vụ án mới
Các Website khác - 13/06/2006
Vụ kiện 5,2 triệu Euro:
Vietnam Airlines còn có thể khởi kiện vụ án mới


Sau khi ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, tuyên bố sẽ tiếp tục nhờ luật sư kháng án yêu cầu hủy phán quyết của tòa sơ thẩm Rome, báo giới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ luật Nguyễn Vân Nam - Giám đốc Công ty luật Nam Hùng, người nắm khá rõ vụ việc cũng như các qui định về luật pháp của ý.

"Hết cửa" kháng cáo
Theo ông Nguyễn Vân Nam, Vietnam Airlines không thể kháng án được nữa vì đã hết thời hiệu. Theo tố tụng của Ý, khi một bên không có mặt tại phiên tòa thì bên kia có quyền đề nghị tòa án tuyên buộc bên vắng mặt phải thua kiện mà không cần quan tâm đến nội dung vụ án như thế nào.

Thua ở đây là thua do vi phạm tố tụng. Qui định này cũng được rất nhiều nước châu Âu áp dụng. Các trường hợp như vậy thường xảy ra khi bên bị kiện biết rõ sẽ bị thua hoặc vụ kiện quá nhỏ, không muốn mất thời gian nên thường vắng mặt như một hình thức tự nhận thua kiện.

Ông Nam nói: "Luật pháp Ý qui định trong thời hạn (có thể là hai hoặc ba tuần) bên bị xử thua có quyền gửi đơn khiếu nại trình bày lý do vắng mặt để xin được xét xử lại. Nếu tòa chấp nhận lý do vắng mặt này thì sẽ thông báo ngày xét xử lại vụ kiện, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành. Ở đây, do Vietnam Airlines không có đơn khiếu nại nên bản án đương nhiên có hiệu lực thi hành.

Tới nay vụ kiện đã qua mười năm, việc Vietnam Airlines cho rằng sẽ kháng cáo bản án là không thể được chấp nhận. Giả sử Vietnam Airlines có mặt tại buổi tranh tụng và bị tuyên thua kiện thì cũng chỉ được kháng cáo trong vòng từ ba tuần đến một tháng để đề nghị xét xử vụ kiện theo thủ tục phúc thẩm".

Một vấn đề, theo ông Nam, cần lưu ý: "Bản án chỉ được đem ra thi hành khi đã có hiệu lực, các bên đã bị đóng hết cửa kháng cáo. Chỉ có những trường hợp rất hi hữu là bản án có thể thi hành song song với quá trình kháng cáo phúc thẩm, nhưng đó chỉ là đối với thủ tục thi hành những bản án trong nước. Còn thủ tục thi hành án quốc tế (qua nước khác để thi hành) thì hiệu lực của bản án sẽ được xem xét chặt chẽ hơn, không bao giờ có chuyện thi hành án khi chưa phúc thẩm hoặc đang phúc thẩm".

Ông Nam còn cho biết: "Vào năm 2004, tôi được đại diện Vietnam Airlines trao đổi về vụ kiện, lúc đó tôi đã tư vấn cho Vietnam Airlines một "chiêu" duy nhất là làm theo thủ tục "đưa vụ việc trở về trạng thái ban đầu". Theo luật của Ý thì đây là một thủ tục duy nhất để "cứu" một bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành án.

Điều kiện để theo thủ tục này là Vietnam Airlines sẽ nộp toàn bộ khoản tiền phải thi hành án để thế chân, cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định tạm ngưng thi hành và vụ việc sẽ được xét xử lại từ đầu, Vietnam Airlines có thể tham gia tranh tụng để chứng minh trách nhiệm của việc trả chi phí cho luật sư Liberati là của Công ty Falcomar chứ không phải của Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines đã có văn bản cho rằng thẩm quyền giải quyết vụ việc lúc đó không thuộc Vietnam Airlines nữa mà phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay Vietnam Airlines đã thi hành bản án này nên thủ tục "đưa vụ việc về trạng thái ban đầu" không thể thực hiện được nữa".

Tốn kém vô nghĩa
Theo ông Nguyễn Vân Nam, việc khởi kiện tòa án tại Pháp yêu cầu ngừng phong tỏa tài khoản tại Pháp để thi hành án của Vietnam Airlines là một sai lầm, có thể nói đó là một sai lầm rất lớn dẫn đến việc mất một khoản chi phí khổng lồ.

Pháp chỉ là nước thi hành án hộ cho Ý. Cho nên, tòa án Pháp hoàn toàn không có quyền xem xét bản án của Rome đã xử đúng hay sai.

Chính vì mất thời gian, công sức vào vụ kiện tại Pháp nên khoản tiền mà Vietnam Airlines phải trả ban đầu chỉ là 1,3 triệu euro nhưng sau phiên tòa phúc thẩm tại Pháp đã tăng lên đến 5,2 triệu Euro vì Vietnam Airlines phải trả tất cả khoản phát sinh do thi hành án, chi phí tranh tụng, mời luật sư¿

Trở lại vấn đề mà đại diện Vietnam Airlines và cả đại sứ Việt Nam tại Ý cho rằng vẫn còn khả năng kháng cáo, ông Nguyễn Vân Nam phân tích: "Tố tụng của Ý chỉ có hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm, không có giám đốc thẩm hay tái thẩm như ở nước ta. Chỉ có những trường hợp ngoại lệ, cực kỳ hi hữu xảy ra thì vụ việc sẽ được đưa lên tòa tối cao để xem xét.

Những vụ việc được đem lên tòa tối cao để xem xét khi đã xử phúc thẩm là những vụ có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động tư pháp hoặc những vụ kiện mới, như một vụ xử mẫu cho các tòa án khác. Thủ tục này rất hiếm khi xảy ra.

Luật pháp Ý cũng không ngăn cản đương sự gửi đơn đề nghị tòa án tối cao xem xét. Có thể vì chiều lòng thân chủ của mình, các luật sư tư vấn đã đệ đơn lên tòa án tối cao và có thể vào ngày đó, tháng đó tòa án tối cao sẽ trả lời có xem xét yêu cầu của Vietnam Airlines hay không. Theo ông Nam, tới ngày ấy chắc chắn câu trả lời của tòa án tối cao sẽ là "không!", vì vụ kiện của Vietnam Airlines không phải là vụ kiện gì có ý nghĩa quan trọng đối với luật pháp của nước này.

Ông Nam cho rằng: "Việc Vietnam Airlines tốn tiền thuê luật sư để theo tiếp vụ kiện này với thủ tục kháng cáo sẽ một lần nữa gây tốn kém tương tự vụ đi kiện quyết định thi hành án tại Pháp".

Cẩn thận khi tiến hành một vụ kiện mới
Đề cập tới vấn đề đại diện Vietnam Airlines nói rằng họ có nhiều bằng chứng mới về dấu hiệu lừa đảo của luật sư Liberati, ông Nguyễn Vân Nam nhận định: "Nếu thật sự Vietnam Airlines có trong tay các bằng chứng như vậy thì có thể đề nghị Viện Công tố Ý khởi tố luật sư Liberati về tội lừa đảo. Theo tôi, Vietnam Airlines phải thật cẩn trọng với đề nghị này, phải đảm bảo có chứng cứ chính xác, bởi rất có thể bị luật sư Liberati kiện lại về tội vu khống. Việc tố cáo người khác ở nước ngoài rất nghiêm ngặt, không thể nói mà không hề có chứng cứ gì.

Song song với việc đề nghị xem xét hình sự hành vi của luật sư Liberati, Vietnam Airlines cũng có thể khởi kiện một vụ kiện dân sự hoàn toàn mới (vụ kiện thứ ba) yêu cầu luật sư Liberati và Công ty Falcomar phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Vietnam Airlines (khiến Vietnam Airlines phải mất 5,2 triệu Euro).

Để khởi kiện vụ án này, Vietnam Airlines phải đưa ra được các bằng chứng về hành vi vi phạm của luật sư Liberati, sự cấu kết giữa luật sư với Công ty Falcomar. Chi phí dự kiến mà Vietnam Airlines phải bỏ ra để theo đuổi vụ kiện này cũng không nhỏ nhưng vẫn còn có hi vọng hơn".

(Theo TT)