![]() |
Truyền dịch điều trị bệnh nhân AIDS tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Ảnh: N.T. |
Ở Khoa nhiễm E, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM có 28 y, bác sĩ hằng ngày tận tay điều trị những bệnh nhân HIV/AIDS. Dù xảy ra không ít tai nạn phơi nhiễm do kim đâm, xây xước chảy máu, song hơn 10 năm qua, chưa ai bỏ chốn "tử thần", tìm chỗ làm mới.
Khoa nhiễm E chia làm 3 khu vực. Khu A điều trị tiêu chảy, khu B viêm gan B, khu C điều trị bệnh nhân AIDS. Khu C nằm sâu phía trong cùng, có hai dãy với gần 10 phòng bệnh, mỗi phòng 3 người. Tổng số trên dưới 25 bệnh nhân đang nằm, ngồi. Tuổi trung bình của bệnh nhân không quá 25, đa phần là nam. Tất cả họ đều thể hiện sự mệt mỏi qua tia nhìn vàng đục, nước da tối màu chì, nổi mụn toàn thân. Có người đang lên cơn sốt, run bần bật. Người đang được nối đường tiểu do suy thận, dây dợ loằng ngoằng.
Bệnh nhân được chuyển từ trung tâm cai nghiện, từ quận huyện trong nội thành và các tỉnh. Hầu hết mắc bệnh cơ hội, cơ thể suy kiệt. Người thì viêm hạch ổ bụng, người nhiễm trùng máu, nấm não, nấm da, tiêu chảy, lao, viêm gan... Theo điều dưỡng viên Nh., những người còn ở đây, được điều trị thuốc là may mắn. Số khác, ở giai đoạn cuối AIDS đã được hồi gia, hoặc chuyển đi các trung tâm vì gia đình không nhận hoặc không có. Ngay tại đây, cũng không ít cái chết được báo trước đã xảy ra, không thể cứu vãn bằng thuốc.
Chiều 26/11, trong không gian chật hẹp và có phần hơi tối của nơi phát thuốc, chị Nh. vẫn nhoẻn miệng cười, song ánh mắt toát lên sự mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, chị phân trần với phóng viên VnExpress, hiện nay, chỉ tính bệnh nhân AIDS đã có 24 người nên chị phải xoay như chong chóng từ sáng đến tối. Đã hơn 10 năm, ai cũng biết chị Nh. và các anh chị Kh., Ch., V., những người hằng ngày thay ca chăm sóc bệnh nhân AIDS điều trị nội trú.
Lịch làm việc của các anh chị kín đến khó thở. Sáng đi quan sát bệnh nhân, mời thân nhân ra ngoài để bác sĩ khám bệnh. Sau đó, theo y lệnh của bác sĩ mà truyền dịch, chích, phát thuốc, siêu âm, chụp phổi... Trưa, lấy sinh hiệu bệnh nhân về, theo dõi huyết áp, nhịp sinh tồn... Trường hợp người bệnh AIDS bị sốt cao, nôn ói, phải thường xuyên qua lại kiểm tra. Những bệnh nhân của dãy tử thần này đều được chích kháng sinh 1 lần/ngày, phát thuốc đủ 3 buổi. Đêm, trực, theo dõi tình trạng từng người, nếu có tình huống xấu phải chuyển bệnh nhân sang khoa cấp cứu.
Do tình trạng bệnh nhân, công việc của điều dưỡng, y tá, hộ lý không tránh khỏi tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm AIDS như máu, dịch thể, đờm, mủ... "Có ca bị dị ứng thuốc, lở từng ngấn thịt, rỉ nước vàng, đau đớn đến nhìn thấy phải quay đi, không mặc nổi quần áo, tôi phải đi 2 găng tay để đảm bảo", chị Ch. nói. Cũng theo chị Ch., mọi người ý thức được những độc hại của môi trường làm việc, nên thường xuyên đeo găng, khẩu trang, thậm chí đeo kính khi tiếp xúc bệnh nhân AIDS. "Các thao tác phải chính xác, nhanh, gọn, đầu óc phải tỉnh táo để tránh mọi sơ suất", điều dưỡng Kh. chia sẻ.
Tuy nhiên, theo tâm sự của các anh chị, làm công việc này phải rất bản lĩnh, vượt qua rào cản tâm lý bản thân và người thân. Về phía gia đình, chị Ch. tâm sự: "May ông chồng mình thông cảm, chứ bạn bè thì xa lánh, cứ xì xào". Ngay bản thân lúc đầu, ai cũng sợ khi tiếp xúc với người bệnh: "Tôi phải rất cẩn thận khi xử lý, để riêng biệt gòn, đồ chích, vật dụng... của họ. Hồi đầu e ngại bắt chuyện, mãi sau thành quen mới không sợ", chị Ch. nói tiếp.
Nguy cơ lớn nhất phải đối mặt hằng ngày là bị phơi nhiễm. Anh Kh., người đã 2 lần bị "dính", kể: "Một lần, do không thấy ven đâu, tôi đã phải truyền nước biển lên trán. Chảy được nửa chai thì ngưng, bệnh nhân bực bội quá, bứt cả kim ra trong khi máu chảy lênh láng. Không may, cái kim phóng thẳng vào tay tôi, xuyên qua găng tay, sớt cả da". Còn lần hai, anh Kh. tiếp: "Khi tôi đang kéo lam thử máu ký sinh trùng sốt rét cho một bệnh nhân, chẳng may bị rách sượt bao tay, phải uống thuốc ngay lập tức".
So với bị kim đâm, những phút "lên cơn" của người bệnh mới thực sự đáng sợ. "Có bệnh nhân kích động, đập vỡ cửa kính, la hét om sòm, lăm lăm tay cầm miếng kính máu chảy ròng ròng rượt đuổi mọi người. Bệnh nhân khác phải chui xuống sàn giường trốn, thế mà vẫn có người bị đâm rách tay, phải đi khâu", chị Nh. kể. Chị Ch. góp thêm: "Ở đây chuyện bệnh nhân thắt cổ tự tử, cắt tay, nhảy lầu cứ vài ba tháng lại xảy ra một lần. Nguyên do bản thân họ có tiền sử nghiện chích, tâm lý phức tạp, cộng thêm phản ứng của thuốc đặc trị". Còn anh Kh. cho biết: "Mới đây có bệnh nhân kích động, gặp ai là hù doạ. Tôi phải nháy chị hộ lý, mỗi người giữ một bên tay, cột lại, chích thuốc an thần, bệnh nhân mới không gây nữa".
Trao đổi với VnExpress về công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân AIDS tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bác sĩ Phó khoa nhiễm E Ngô Thị Kim Cúc đánh giá, thời gian gần đây, số ca nội trú AIDS tăng nhanh nên bệnh viện thường xuyên quá tải. Riêng năm ngoái, số bệnh nhân là 1.452 ca, tương đương tổng số từ năm 1992 đến 2000. Hiện cả khoa có 65 giường, chỉ 10 giường dành điều trị AIDS. Trong khi đó, mỗi ngày có 25 bệnh nhân, cao điểm ngày 22/11 gần 40. Khoa đã bổ sung 10 giường ở khu tiêu chảy, nhưng vẫn không đủ. "Chúng tôi đành kê giường ra hành lang cho bệnh nhân nằm", bà Cúc nói.
Bên cạnh đó, không phải bệnh nhân nào cũng đủ tiền mua thuốc đặc trị, trung bình 3 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, số lượng, chủng loại thuốc không nhiều. Bệnh nhân hiện sử dụng thuốc rất dễ nản vì phải tuân thủ đúng liều, đúng giờ hằng ngày, mỗi lần uống hàng mấy chục viên. Bác sĩ, điều dưỡng phải theo dõi sát, không cho bệnh nhân bỏ thuốc, trốn viện. "Chúng tôi đang trông chờ vào thành phố và các dự án để có thêm kinh phí hoạt động và thuốc đặc trị cho bệnh nhân AIDS, giảm tải sức ép, cải thiện đời sống cho anh chị em", bà Cúc nói.
Trong lúc "chờ" các dự án như bà Phó khoa nói, hầu hết điều dưỡng, y tá, hộ lý đều tự tìm cho mình lý do riêng để ở lại bệnh viện. "Ở đây còn nhiều người dễ thương lắm. Hôm trước, chúng tôi đi đám ma, viếng đưa bệnh nhân của mình", chị Nh. khoe. Còn anh Kh. rất vui vì 5h sáng hôm nay đã nhanh tay phát hiện, cấp cứu một trường hợp bệnh nhân AIDS nam, 20 tuổi, bị viêm hạch ổ bụng, xơ gan. Khi phát hiện, tình trạng người này rất nguy kịch: mạch nhẹ, huyết áp không đo được, vô thức. "Tôi đã báo bác sĩ trực, sơ cứu, truyền nước biển kịp thời".
Nói về công việc, các y tá, điều dưỡng, hộ lý vẫn say sưa, dường như họ quên hết những nguy cơ, những sự kỳ thị của xã hội dành cho bệnh nhân AIDS và ngay cả cho người chăm sóc bệnh nhân AIDS.
Lê Nhàn
▪ Giải quyết tình trạng gia tăng HIV ở phụ nữ và trẻ em (27/11/2004)
▪ Phú Thọ: Mô hình phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả (29/11/2004)
▪ Mua rượu được tặng... bao cao su (29/11/2004)
▪ Phú Thọ, bước đột phá về phòng chống HIV/AIDS (29/11/2004)
▪ Những đêm được mong đợi (27/11/2004)
▪ Kết thúc Hội thi các đội thanh niên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS: Đội Khánh Hòa đoạt giải nhất (25/11/2004)
▪ Khai mạc Hội thi đội tuyên truyền thanh niên phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS (24/11/2004)
▪ Bàn giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy khu vực bắc miền trung (23/11/2004)
▪ Tăng cường hợp tác kiểm soát ma túy giữa Việt Nam, Lào và Campuchia (22/11/2004)
▪ Trung Quốc tạo cơ hội việc làm cho người bị nhiễm HIV (21/11/2004)