Quyền và nghĩa vụ của trẻ em bị nhiễm HIV
Các Website khác - 26/11/2005
Hỏi: Tôi có đứa cháu không may bị nhiễm HIV từ khi còn trong bụng mẹ. Nay cháu đến tuổi đi học lớp một, xin hỏi một học sinh bị nhiễm HIV có quyền và nghĩa vụ gì khác so với các học sinh không bị nhiễm HIV không?

Trả lời: Pháp luật Việt Nam không cho phép phân biệt đối xử đối với người bị nhiễm HIV/AIDS. Do vậy, về cơ bản, một học sinh là người bị nhiễm HIV vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong học tập và sinh hoạt tại cộng đồng như các học sinh khác không bị nhiễm HIV.

Tuy nhiên, cháu của bạn có một số quyền và nghĩa vụ riêng do pháp luật quy định như:

- Có quyền được biết về HIV và về bệnh tình của mình, được khám chữa bệnh và được gia đình, người thân và cộng đồng chăm sóc, được an ủi và động viên, giúp đỡ.

- Có quyền được giữ bí mật về tình trạng nhiễm HIV của mình.

- Có quyền được tiếp tục học hành và vui chơi, giải trí lành mạnh như trước khi bị nhiễm bệnh.

- Có nghĩa vụ tuân thủ mọi quy định của pháp luật về phòng, chống lây nhiễm HIV sang các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng.

-----------------------

Quyền lợi của trẻ em khi tham gia bảo hiểm y tế

Hỏi: Con tôi đang học lớp 5, xin hỏi nếu tôi tham gia mua bảo hiểm y tế cho cháu thì cháu được hưởng quyền lợi như thế nào?

Trả lời: Khi tham gia bảo hiểm y tế cháu sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi như được cấp thẻ và phiếu khám chữa bệnh; Được chăm sóc, bảo vệ và giáo dục sức khỏe tại trường học, được quản lý sức khỏe và hướng dẫn đề phòng các bệnh học đường như: Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường; Phòng chống các dịch bệnh; Các biện pháp phòng, chữa một số bệnh và triệu chứng thông thường... Được khám sức khỏe định kỳ; Sơ cứu tai nạn ốm đau đột xuất.

Đặc biệt cháu sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú như chi phí cho việc khám bệnh, chẩn đoán và điều trị; Xét nghiệm, chiếu chụp X- quang, thăm dò chức năng; thuốc trong danh mục theo quy định của Bộ Y tế; Máu, dịch truyền; Các thủ thuật, phẫu thuật; Sử dụng vật tư, thiết bị y tế và giường bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế sau:

- Bệnh viện đã đăng ký trên phiếu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Bệnh viện theo giấy chuyển viện phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật quy định của Bộ Y tế.

- Bất kỳ bệnh viện nào của Nhà nước trong trường hợp cấp cứu.

Trong các trường hợp khám chữa bệnh không đúng quy định sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo giá viện phí tại tuyến chuyên môn, kỹ thuật phù hợp. Trong trường hợp rủi ro tử vong sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế chi trả trợ cấp mai táng phí.

-----------------------

Trẻ em trong những trường hợp nào có quốc tịch Việt Nam?

Hỏi: Vấn đề quốc tịch trẻ em được quy định như thế nào theo pháp luật Việt Nam?

Trả lời: Theo quy định tại các điều 16, 17, 18 và 19 Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 20-5-1998 thì trẻ em được xác định có quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

- Trẻ em khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.

- Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam, còn cha không rõ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.

- Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con.

- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam.

- Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam.

-----------------------

Những trẻ em nào được hưởng chế độ cứu trợ xã hội trường xuyên?

Hỏi: Những trẻ em nào được hưởng chế độ cứu trợ xã hội thường xuyên tại xã, phường, thị trấn? Mức cứu trợ và thủ tục để hưởng chế độ cứu trợ xã hội?

Trả lời: Theo quy định tại điều 6 Nghị định 07/2000/NĐ-CP ngày 9-3-2000 về chính sách cứu trợ xã hội và mục I Thông tư 18/2000/TT-BLĐTBXH ngày 28-7-2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn nghị định nói trên thì trẻ em được hưởng chế độ cứu trợ xã hội thường xuyên tại xã, phường, thị trấn bao gồm:

- Trẻ em dưới 16 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi, bị mất nguồn nuôi dưỡng và không còn người thân thích ruột thịt (ông bà nội ngoại, bố mẹ nuôi hợp pháp, anh chị) để nương tựa.

- Trẻ em dưới 16 tuổi chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại (mẹ hoặc cha) mất tích theo quy định tại điều 88 Bộ luật Dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng (Thí dụ: bị tàn tật nặng hoặc đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại), không có nguồn nuôi dưỡng và không có người thân thích để nương tựa.

- Trường hợp trẻ mồ côi nêu tại hai điểm trên đây tuy còn người thân thích nhưng người thân thích không đủ khả năng để nuôi dưỡng (Thí dụ người thân thích dưới 16 tuổi hoặc hơn 60 tuổi hoặc bị tàn tật nặng, hoặc đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo) thì cũng được xem xét hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội.

Muốn được hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên thì bản thân trẻ em đó hoặc người thân thích phải làm đơn trình bày rõ hoàn cảnh và đề nghị UBND cấp xã xem xét đề nghị UBND cấp huyện quyết định. Những trẻ em nêu trên được hưởng mức trợ cấp cứu trợ xã hội thường xuyên tại xã là 45.000 đồng/người/tháng. Đấy là mức trợ cấp tối thiểu. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để điều chỉnh cho phù hợp, nhưng không được thấp hơn mức quy định nêu trên.