Lớp 1 đã cận
Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh công bố đầu năm 2004, tật cận thị học đường đã gia tăng rất mạnh trong học sinh thành phố. Cụ thể, số học sinh bị cận thị ở Trường THCS Colette năm 1998 chiếm tỷ lệ 38%, đến năm 2003 là 66,31%; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm 1998 là 42,7% thì 5 năm sau lên đến 74,33%. Tỷ lệ cận thị chung của học sinh toàn TP.HCM ở cấp tiểu học là 9,03%, THCS là 19,17% và THPT là 24,9%; cũng có sự khác biệt giữa học sinh bị tật cận thị ở nội thành (69,89%) và ngoại thành (33%), giữa học sinh trường chuyên (79,95%) và trường không chuyên (47,93%).
...và con số này ở bậc tiểu học cũng không nhỏ. | Báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng TP Nha Trang (Khánh Hòa) khi điều tra lứa tuổi học sinh tiểu học ở đây cũng cho thấy có 13,8% học sinh bị bệnh về mắt. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (khoa mắt, Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa) cho biết: "Tật cận thị thường tăng theo tuổi và cấp lớp; hay phát sinh ở giai đoạn học sinh học lớp 5, lên lớp càng cao thì bệnh càng phát triển nhanh. Điều đó cho thấy mối quan hệ mật thiết của cận thị với mức độ gia tăng gánh nặng học tập".
Bác sĩ Phí Duy Tiến, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện mắt TP Hồ Chí Minh nhận xét: "Trước đây, học sinh học càng cao thì tỷ lệ bị cận thị càng nhiều, nhưng bây giờ còn đáng lo hơn vì số học sinh cận thị gia tăng ở bậc tiểu học còn nhiều hơn số học sinh ở bậc THPT". Khi đến trực tiếp khảo sát ở lớp 1/2 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng - một trường lớn tại quận 1 (TP Hồ Chí Minh), chúng tôi được cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Mỹ Hạnh thông báo: "Nhà trường trang bị khá tốt phương tiện ánh sáng cho các em học tập với 7 bộ đèn đôi huỳnh quang. Thế nhưng, dù mới học lớp 1 mà đã có đến 8/34 học sinh trong lớp bị cận thị". Ở lớp 4/1 cùng trường được lắp 8 bộ đèn đôi huỳnh quang thì cũng có 15/35 học sinh trong lớp bị cận thị.
Đâu là nguyên nhân chính?
Theo số liệu thống kê của ngành giáo dục, cả nước có 15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị cận thị. Tại Hà Nội, qua khảo sát ở 6 trường thuộc Q.Hoàn Kiếm và H.Sóc Sơn, tỷ lệ học sinh bị cận thị chiếm tới 21,8%. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ cận thị ở học sinh tăng lên đến mức báo động: nếu năm 1964 tỷ lệ cận thị của học sinh cấp tiểu học là 2,1%, học sinh cấp THPT là 9,6% thì đến năm 2004 tỷ lệ này là 11,3% và 29,8%. Đáng nói hơn là những nơi học sinh càng có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt thì tỷ lệ bị cận thị càng cao hơn: nội thành có tới 29,9% học sinh cận thị, con số này ở ngoại thành là 13,6%. Như vậy tỷ lệ cận thị của HS nội thành cao gấp 1,8 lần học sinh ngoại thành. Học sinh mắc bệnh cũng tỷ lệ thuận với cấp học: học càng lên cao thì số học sinh cận thị càng tăng. Tỷ lệ học sinh THPT bị cận thị cao gấp 1,3 lần học sinh cấp THCS, tỷ lệ học sinh cấp THCS bị cận thị cao gấp 2 lần học sinh tiểu học. | Theo bác sĩ Trần Quốc Hưng (cán bộ y tế học đường thuộc Trung tâm sức khỏe và môi trường, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh), liên sở Y tế và Giáo dục - Đào tạo hiện quy định ánh sáng mức tối thiểu là 200 lux, bảo đảm phân bố đều, không gây lóa khi học sinh nhìn lên bảng. Nhiều bác sĩ chuyên khoa đều khẳng định ánh sáng tự nhiên là tốt nhất, vì vậy khi xây dựng và sửa chữa các phòng học cần chú ý lắp đặt nhiều cửa sổ để đón ánh nắng mặt trời. Thực tế nhiều trường học tại TP.HCM không đạt tiêu chuẩn độ sáng quy định một phần vì khi nghiệm thu các công trình xây dựng phòng học, ít ai quan tâm đến việc đo độ sáng mà cứ trang bị đèn chiếu sáng một cách tùy tiện, chấp nhận độ sáng theo "mắt trần" mà không theo cơ sở khoa học.
Cùng nhân viên y tế của trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng trực tiếp đo bằng máy đo độ sáng, chúng tôi ghi nhận được độ sáng trong phòng học của cả 2 lớp 1/2 và 4/1 nêu trên đều là 200 lux (đúng quy định) nhưng tỷ lệ các em bị cận thị vẫn rất cao. Vậy thì nguyên nhân của tình trạng gia tăng tật cận thị trong học đường không chỉ là độ chiếu sáng trong phòng học. Bác sĩ Phi Duy Tiến cho rằng: gia đình và xã hội không nên đổ lỗi hoàn toàn cho trường học mà nên có những biện pháp tích cực hơn để bảo vệ mắt cho con em mình. Theo bác sĩ Tiến, mắt của các em đã quá tải vì xem truyền hình quá nhiều, thời gian làm việc trên máy vi tính không hợp lý, việc học tập quá nhiều nên không có thời gian để mắt được nghỉ ngơi.
Cần xem lại cách thiết kế trường, lớp Theo tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải thì nguyên nhân dẫn tới cận thị học đường có nhiều, nhưng nguyên nhân chính là do ánh sáng không hợp lý. Theo khảo sát tháng 4-2004 tại một số trường của Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội, 100% các phòng học khối tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều có độ rọi không đồng nhất ở các vị trí khác nhau trong lớp học. Tình trạng không đạt độ rọi chuẩn cũng ở mức báo động: khối tiểu học 14% phòng học không đạt độ rọi chuẩn, khối THCS 50%; khối THPT 11%. Thậm chí có những trường tại thời điểm kiểm tra độ rọi sáng chỉ đạt 20 lux, trong khi độ rọi sáng cần thiết đối với Hà Nội là 300 lux. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phòng học không bố trí đúng hướng, cửa sổ và cửa ra vào không đủ chiếu sáng tự nhiên, không dùng đèn (do tiết kiệm) hoặc dùng nhưng không đủ độ rọi, bố trí không đúng tiêu chuẩn thiết kế dẫn tới ngược sáng hoặc sấp bóng. Học sinh thường xuyên phải điều tiết thị giác dẫn đến căng mỏi mắt và cận thị. Tại Hà Nội, hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học khi triển khai thiết kế kỹ thuật thi công thường không nghiên cứu, tính toán chi tiết cho thiết bị điện chiếu sáng lớp học. Quá trình nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng cũng không có thiết bị kiểm tra độ rọi đã đạt chuẩn hay chưa. Điều đó dẫn tới nguồn điện chiếu sáng không thống nhất và nhiều khi không phù hợp với quy chuẩn: bố trí số lượng đèn ít hoặc mắc ở vị trí không phù hợp như dưới quạt trần, sau quạt treo tường, ngay trên bảng gây chói, lóa mắt học sinh... Trong một cuộc hội thảo về chiếu sáng và tiết kiệm điện được tổ chức tại Hà Nội tháng 1-2005 vừa qua, một chuyên gia của Sở Giáo dục –Đào tạo Hà Nội cảnh báo: với điều kiện chiếu sáng như thế nếu không có giải pháp tích cực thì những năm tới tỷ lệ học sinh mắc tật cận thị học đường sẽ đạt ở mức rất cao. Sở Giáo dục –Đào tạo Hà Nội bức xúc đưa ra kiến nghị: khi nghiệm thu các công trình trường học cần có sự kiểm tra nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chiếu sáng; cần có sự kiểm tra độ rọi và kích thước các phòng học hiện nay, nên định ra một sơ đồ bố trí mẫu phù hợp, ứng với mỗi loại kích thước phòng học, thiết bị chiếu sáng để giúp các trường (dù không có thiết bị đo sáng) cũng có thể yên tâm khi sử dụng và có cơ sở để trao đổi với các đơn vị tư vấn, thiết kế và thi công.
| |