Huyền sâm chữa viêm họng?
Các Website khác - 25/02/2005

"Tôi được bạn cho một gói rễ khô cây huyền sâm, nói là để nấu nước uống trị chứng viêm họng. Xin bác sĩ cho biết thêm về vị thuốc này".

Trả lời:

Năm 1936, hai tác giả Kinh Lợi Bân và Thạch Nguyên Cao có chế cao lỏng huyền sâm (rượu) rồi nghiên cứu tác dụng của nó trên động vật. Họ pha cao lỏng huyền sâm với nước Locke Ringer rồi cho tác dụng trên tim ếch cô lập với nồng độ thấp, kết quả là sức bóp của tim mạnh lên. Với nồng độ trung bình, lực của tim yếu đi, nhịp đập trở nên chậm; với nồng độ cao, tim ngừng đập. Ngoài ra, huyền sâm còn gây giãn mạch, giảm sốt, thay đổi huyết áp, đường huyết của thỏ.

Vị thuốc này còn có tác dụng kháng sinh đối với nhiều loại vi trùng bệnh ngoài da. Vì vậy, nó được dùng làm thuốc mạnh tim, giảm sốt, chống viêm trong các bệnh viêm cổ họng, viêm amiđan, lở loét trong miệng. Liều dùng 10-12 g dưới dạng thuốc sắc.

Theo tài liệu cổ, huyền sâm vị đắng, mặn, tính hơi hàn, dùng chữa các bệnh nhiệt, phiền khát, điên cuồng, yết hầu sưng đau, ung thũng, tràng nhạc, táo bón.

Chữa viêm cổ họng, viêm amiđan: Huyền sâm 10 g, cam thảo 3 g, cát cánh 5 g, mạch môn đông 8 g, thăng ma 3 g, nước 600 ml. Sắc còn 200 ml, chia nhiều lần uống trong ngày hoặc dùng làm thuốc súc miệng.

GS Đỗ Tất Lợi, Sức Khỏe & Đời Sống