Hỏi: Chương trình chống lao quốc gia nước ta trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, đâu là lý do khiến chúng ta vẫn chưa kiểm soát được bệnh lao?
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ, giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương cho biết: Mạng lưới phòng chống lao ở nước ta đã được nhiều tổ chức trên thế giới đánh giá cao về hiệu quả hoạt động, đặc biệt là đã lồng ghép tốt vào hệ thống y tế cơ sở nói chung. Chúng ta đã giảm được hai bậc từ vị trí thứ 11 xuống 13 trong tổng số 22 nước có tình hình bệnh lao nặng nề nhất (theo đánh giá cua WHO năm 1997).
Tuy nhiên, trên thực tế, số bệnh nhân lao trong cộng đồng còn chưa phát hiện rất cao. Riêng với bệnh lao trẻ em, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 20.000 trường hợp cần phải điều trị. Bên cạnh đó có rất nhiều nguy cơ đe dọa đến công cuộc phòng chống lao của Việt Nam: sự gia tăng của đại dịch HIV/AIDS, tình trạng di dân, phân cách giàu nghèo rõ rệt, vấn đề lao kháng thuốc... Tất cả những nguy cơ này khiến cho kết quả của công cuộc phòng chống lao của Việt Nam chưa thực sự vững chắc. Bệnh vẫn có nguy cơ quay trở lại cao trong cộng đồng.
Hỏi: Đại dịch HIV/AIDS đã ảnh hưởng đến việc phòng chống bệnh lao ở nước ta như thế nào?
Trả lời: Đây là khó khăn lớn nhất cho chương trình chống lao quốc gia hiện nay tại Việt Nam. Việc bị nhiễm HIV sẽ làm tăng nguy cơ phát triển thành bệnh lao lên gấp 30 lần so với những người chỉ nhiễm lao đơn thuần. Hiện nay, tỷ lệ nhiễm HIV tìm thấy trong nhóm bệnh nhân lao tăng rõ rệt và đáng báo động trên toàn quốc (4,3%). Đặc biệt, tại 10 tirnh, thành phố, tỷ lệ này là hơn 5%, có nơi như TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ này là 9,3%, Hà Nội: 8,3%. Hải Phòng 11,8% và Bình Dương tới 14%. Đồng nhiễm HIV và lao không chỉ làm tăng số bệnh nhân lao nước ta, mà còn làm giảm hiệu quả điều trị bệnh, tăng tỷ lệ tử vong. Tỷ lệ khỏi trong nhóm bệnh nhân lao nhiễm HIV tại TP Hồ Chí Minh chỉ còn 50%.
Hỏi: Tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc và bỏ điều trị ở nước ta hiện nay có phải là cao không, thưa ông?
Trả lời: Chương trình chống lao quốc gia đang phấn đấu đạt tỷ lệ điều trị thành công là trên 90%. Nghĩa là 10% còn lại sẽ thuộc về những bệnh nhân điều trị thất bại, bỏ trị hoặc tử vong mà chúng tôi không quản lý được. Tỷ lệ khỏi 90% mà chúng tôi đặt ra này là rất cao, bởi thế giới cũng chỉ phấn đấu đạt 85% mà thôi. Việc điều trị lao phải theo chiến lược dài ngày, do đó, một số bệnh nhân có nhận thức chưa đầy đủ, điều trị thấy gần khỏi thì đã bỏ, dẫn đến bệnh tái phát là điều vô cùng đáng tiếc.
Về vấn đề kháng thuốc, chúng ta mới chỉ có số liệu từ 1997 cho thấy tỷ lệ bệnh lao kháng đa thuốc tương đối cao, khoảng 2,3%. Cuộc điều tra lần hai tiến hành năm 2001 và 2002 cho kết quả sơ bộ có 3% bệnh nhân mới và 23,5% bệnh nhân cũ kháng đa thuốc. Do đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 350 trường hợp mắc lao mãn tính do kháng thuốc. Con số này tích lũy lại sẽ không nhỏ, trong khi chúng ta chưa có đường lối điều trị cho nhóm bệnh nhân này.
Hỏi: Chỉ còn khoảng 9 tháng nữa là kết thúc dự án phòng chống lao giai đoạn 5 năm 2001-2005. Đánh giá của ông khó khăn, thách thức trước mắt?
Trả lời: Hết năm 2005, chúng ta sẽ kết thúc một giai đoạn trong chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh lao. Công cuộc chống lao sẽ phải lâu dài. Dự án tiếp theo trong 5 năm tới (2006-2010) ngoài những cản trở kể trên, sẽ vấp phải thách thức không nhỏ là tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Duy trì đầu tư cho chống lao trong thời gian tới sẽ bao gồm đầu tư về cả tài chính và nhân lực. Điều này cũng không nằm ngoài chủ đề của Ngày Chống lao thế giới (24-3) năm 2004 tập trung vào những người tham gia hoạt động phòng chống bênh lao tuyến cơ sở và vai trò của họ trong sự nghiệp chống lao.
|