Anh Thành Sơn 35 tuổi bị sưng vùng miệng bên trái đã 2 năm nay nhưng không để ý. Đến lúc đau không chịu nổi, bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM. Các bác sĩ cho biết, anh bị sỏi tuyến nước bọt, nếu nặng sẽ phải cắt tuyến.
Cách đây 2 tháng, anh Sơn đã thấy khó chịu, vướng lưỡi và sưng đau, nhất là trong khi nhai. Anh tự mua thuốc uống và thấy đỡ sưng đau. Tuy nhiên, bệnh không dứt hẳn, cảm giác vướng lưỡi vẫn còn. Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt, các bác sĩ đã phát hiện 2 viên sỏi nằm gần nhau ở tuyến nước bọt trái.
Bác sĩ Nguyễn Chí Cường, Phó khoa Hàm Mặt cho biết, đây là trường hợp vôi hóa uyến nước bọt - một trong những bệnh trong miệng rất dễ phát hiện nhưng lại dễ bị bệnh nhân bỏ qua. Vôi hóa tuyến nước bọt thường do canxi có trong nước bọt lắng đọng quanh khối viêm, lâu dần tạo thành sỏi. Viên sỏi này nằm chắn ngay tuyến nước bọt. Khi người bệnh nhai, tuyến bị kích thích và sưng phồng. Sau khi ăn, do nước bọt tiết ra miệng từ từ, tuyến sẽ xẹp xuống. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân chủ quan cho rằng bệnh đã tự hết hoặc không nguy hiểm. Đến khi viên sỏi quá lớn, bít cả tuyến nước bọt, gây sưng phồng và đau nhiều họ mới chịu đến thầy thuốc.
Theo bác sĩ Huỳnh Đại Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt, đây là dạng bệnh khá phổ biến vì người dân chưa quan tâm đến vệ sinh răng miệng và không có thói quen khám răng định kỳ. Việc phẫu thuật lấy sỏi đơn giản, không có nhiều biến chứng. Nhưng nếu sỏi lớn, bác sĩ phải cắt luôn cả tuyến nước bọt, để lại sẹo ở phía ngoài khuôn mặt. Sau mổ, chức năng tiết nước bọt bị giảm, gây ảnh hưởng đến quá trình nhai và việc tiêu hóa.
Ngoài vôi tuyến nước bọt, còn nhiều bệnh lý trong miệng khác hay bị bệnh nhân bỏ qua do diễn tiến âm thầm và không gây đau đớn. Nhiều người tự điều trị bằng kháng sinh nên bệnh không khỏi mà ngày càng trở nên nguy hiểm hơn:
Nang vùng hàm mặt
Mỗi tuần, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM nhận điều trị cho khoảng 5-6 trường hợp nang răng. Bệnh được chia thành nhiều dạng, tùy theo nguyên nhân. Trường hợp răng mọc ngầm không được điều trị kịp thời, để mảnh mô biểu bì bao quanh sẽ phát triển thành nang thân răng. Răng bị nhiễm trùng dần dần sẽ phát triển thành nang nhiễm trùng. Ngoài ra còn có nang chân răng, nang quanh răng hoặc nang sót (nang răng đã được mổ nhưng lấy không hết, sau đó tái phát).
Bệnh phát triển âm thầm, không gây đau nhức nhưng phát triển đến đâu là gây tiêu xương đến đó. Khi nang phồng lên, gây biến dạng khuôn mặt thì bệnh đã ở giai đoạn trễ, răng bị mất hàng loạt, gãy xương. Đa số bệnh nhân mắc bệnh nang răng đến khám đều đã có biến chứng nặng.
Gần đây nhất, bệnh viện phẫu thuật cắt nang cho bệnh nhân Hồng Liên, 20 tuổi, sống tại TP HCM. Ngày 8/1, cô đến khám vì thấy có khối sưng ở phía lợi hàm bên phải. Khối này có từ 3 năm nay nhưng người bệnh chỉ tự điều trị bằng thuốc kháng sinh. Khi khám, các bác sĩ không thấy răng 1-3 trên hàm nhưng khi ấn vào khối sưng thấy có hiện tượng phập phồng. Qua chụp X-quang, họ phát hiện răng này trong một nang lớn đường kính 3 x 3 cm, xâm lấn xoang hàm phải. Nếu bệnh nhân khám sớm ngay từ lần đau đầu tiên thì đã có thể phát hiện nang khi còn nhỏ.
Răng cửa trong lỗ mũi
Bệnh viện Răng Hàm Mặt cũng từng điều trị cho một trường hợp răng mọc ngầm ở lỗ mũi, đó là bệnh nhân Thanh Lan, 18 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp. Cô Lan nhập viện do đau nhức ở vùng mũi kèm theo triệu chứng nghẹt mũi phải thường xuyên. Trước đó, bệnh nhân đã nhiều lần điều trị triệu chứng đau mũi, nghẹt mũi thuộc chuyên khoa tai mũi họng nhưng không có kết quả.
Kết quả khám răng cho thấy bệnh nhân không có răng cửa phải trên cung hàm nhưng có khối u ở giữa mũi. Từ đó, các bác sĩ phát hiện có hiện tượng răng lạc chỗ. Bác sĩ Nguyễn Chí Cường cho biết đây là bệnh dễ gây nhầm lẫn trong việc chẩn đoán và điều trị vì có triệu chứng không đặc thù của bệnh răng hàm mặt. Bác sĩ khuyên mọi người chú ý vệ sinh răng miệng tốt, khám răng định kỳ 6 tháng/lần và đến bác sĩ kịp thời khi có triệu chứng bất thường để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Hồng sản, bạch sản và apthe
Tổn thương hồng sản, bạch sản biểu hiện bằng những mảng đỏ, trắng trong miệng. Bệnh nhân không đau nên dễ chủ quan. Lâu ngày, các mảng sẽ dày lên và có khả năng ung thư hóa. Dạng bệnh này thường xuất hiện do cọ xát (khi ăn trầu, đeo hàm giả không đúng cách) hoặc do nhiệt (hút thuốc để cháy gần quá). Vì vậy, khi phát hiện có hiện tượng dày sừng trong miệng (không gây đau), bệnh nhân phải khám sớm.
Apthe dễ xảy ra với mọi người ở mọi lứa tuổi, có khoảng 20% dân số mắc bệnh này. Dạng apthe bình thường là những vết loét nhỏ, có triệu chứng đau nhức rõ rệt, gây ảnh hưởng đến ăn uống nên bệnh nhân thường điều trị bằng thuốc giảm đau. Bệnh do virus gây ra nên sẽ tự hết sau khoảng hai tuần, không nguy hiểm. Tuy nhiên, các loại apthe khổng lồ có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí đến 20 năm.
(Theo Người Lao Động)
* Tên các bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.
▪ Hà thủ ô bổ máu, làm đen tóc (29/01/2005)
▪ Chứng rạn da: Phòng dễ hơn trị (28/01/2005)
▪ Có bằng chứng bệnh cúm gà lây từ người sang người (29/01/2005)
▪ Sửa tật nói cà lăm (28/01/2005)
▪ Đau co thắt vòng ngực (28/01/2005)
▪ Bộ Y tế sẽ kiểm tra đột xuất việc trực Tết tại các bệnh viện (28/01/2005)
▪ Thêm một ca tử vong vì H5N1 (28/01/2005)
▪ Người hiếu động khó béo (29/01/2005)
▪ Thuốc lá gây ung thư tuyến tụy (29/01/2005)
▪ Thiếu máu điều trị cho bệnh nhân, vì sao? (29/01/2005)