Béo phì - trình trạng khẩn cấp mới về dinh dưỡng
Các Website khác - 30/06/2005

Tốc độ bành trướng của chứng thừa cân - béo phì đang khiến ngành y tế lo ngại không kém tình trạng suy dinh dưỡng. Theo điều tra tại quận 1 TP HCM, cứ 4 học sinh tiểu học thì một có cân nặng trên mức bình thường.

Nếu như trước năm 1995, tỷ lệ thừa cân ở Việt Nam hầu như không đáng kể thì sau mốc thời gian ấy, béo phì đã trở thành hiện tượng “dịch tễ” đáng báo động. Bác sĩ Trần Thị Hồng Loan thuộc Trung tâm dinh dưỡng TP HCM cho biết, tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật, tỷ lệ thừa cân - béo phì chỉ tăng gấp đôi sau 15-20 năm. Nhưng tại TP HCM, tỷ lệ này ở trẻ dưới 5 tuổi đã tăng gấp 3 lần chỉ sau 5 năm (1999-2004). Ở học sinh nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học, tỷ lệ béo phì đã ngang bằng hoặc vượt qua tỷ lệ suy dinh dưỡng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là sự thay đổi chế độ ăn với nhiều đồ ngọt, chất béo, thực phẩm chế biến sẵn và lối sống ít vận động. Ở trẻ em, thói quen ăn nhanh, ăn nhiều làm nguy cơ này tăng gấp 9 lần. Nếu trẻ hay ăn bữa phụ vào buổi tối trước khi ngủ thì nguy cơ béo phì sẽ cao hơn trẻ bình thường đến 11 lần. Những yếu tố sau cũng khiến trẻ dễ bị béo phì hơn so với bạn bè cùng lứa: cân nặng lúc sinh trên 3,5 kg, không được nuôi bằng sữa mẹ, mẹ tăng quá 15 kg khi có thai, có cha hay mẹ thừa cân. Đặc biệt, những trẻ có mẹ thừa cân dễ bị béo phì hơn trẻ khác gấp 6 lần vì mẹ là người chuẩn bị bữa ăn, có ảnh hưởng lớn về lối sống và tập quán ăn uống.

Bác sĩ Hồng Loan cũng nhận xét, điều nguy hiểm là người Việt thường hay béo bụng và có tỷ lệ mỡ cơ thể rất cao - một yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường. Ở người phương Tây, mỡ cơ thể và vòng bụng thường chỉ tăng cao khi chỉ số BMI cao (tức có thừa cân, béo phì). Còn ở Việt Nam, cụ thể là TP HCM, trong số những người trên 15 tuổi có BMI bình thường, gần 1/3 có tỷ lệ mỡ cao. Thậm chí trong số người trên 15 tuổi suy dinh dưỡng cũng có đến 13% bị béo bụng. Một nghiên cứu so sánh nhân trắc giữa phụ nữ Nhật Bản và Việt Nam cho thấy, khi có cùng tuổi và chỉ số BMI, phụ nữ Việt Nam vẫn có tỷ lệ mỡ cơ thể cao gấp 5 lần so với phụ nữ Nhật.

Béo phì đồng nghĩa với bệnh tật. Ở người trưởng thành, nó làm tăng gấp đôi nguy cơ cao huyết áp (lên 33%) và gấp 3 nguy cơ tiểu đường (lên thành 9%). Ở trẻ em bậc tiểu học, cứ 6 trẻ thừa cân - béo phì thì có 1 bị cao huyết áp, tỷ lệ này cao gấp 3-5 lần so với trẻ cùng lứa có cân nặng bình thường (khảo sát ở Hà Nội và TP HCM). Một nghiên cứu ở Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, trong số trẻ béo phì đến khám ở khoa dinh dưỡng các năm 2000-2002, gần 1/3 bị gan nhiễm mỡ, 1/5 rối loạn đường huyết, 3/4 bị rối loạn lipid máu và 2/3 có các biến chứng lâm sàng như đau đầu, thở mệt, ngủ ngáy, đau gối và lưng.

Theo các chuyên gia, điều chỉnh chế độ ăn và tăng vận động là cách phòng chống thừa cân - béo phì hiệu quả. Đối với trẻ em, nên lưu ý đến 4 giai đoạn có vai trò lớn nhất đến sự phát triển bệnh béo phì: thời kỳ bào thai, 2 năm đầu đời, 5-7 tuổi và dậy thì (nhất là ở nữ). Đây chính là thời gian tốt nhất để cảnh giác, phát hiện sớm và ngăn ngừa thừa cân ở trẻ.

Thanh Nhàn