Thạc sĩ Lương Thị San, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Tại Bệnh viện thời gian vừa qua đã phát hiện tám bệnh nhân nhi bị viêm phổi do virus cúm type A H5N1. Viêm phổi do virus cúm type A H5N1 là bệnh rất nặng, khó điều trị và tử vong cao. Yếu tố dịch tễ của căn bệnh này khá rõ nét.
Qua tìm hiểu tất cả tám bệnh nhân nhiễm H5N1 đều sống ở nông thôn, nơi có dịch gia cầm, gia đình có gia cầm chết. Hai bệnh nhân có người thân cùng bị bệnh tương tự như bệnh nhân. Trong đó có một bệnh nhân có mẹ chết vì viêm phổi được khẳng định do virus cúm A type H5N1, một bệnh nhân có chị ruột chết tại bệnh viện huyện với triệu chứng sốt cao, ho và khó thở. Do vậy, nơi gia đình chị sống có người mắc bệnh thì rất cần phải cảnh giác. Các dấu hiệu lâm sàng để nhận biết căn bệnh này là ho, khó thở, tím tái sốt cao từ 38,5 độ đến 40 độ suy hô hấp nặng, xét nghiệm bạch cầu giảm... và khó thở là dấu hiệu chính để người nhà đưa bệnh nhân đến viện. Khi những bệnh nhân này được chụp X-quang, tim phổi đều có tổn thương ở phổi, ứ khí phế quản, tràn dịch màng phổi và các tổn thương này tiến triển rất nhanh, thay đổi hàng ngày, hàng giờ... Bệnh nhân khi nhiễm H5N1 đều phải dùng kháng sinh phổ rộng, các loại thuốc chống virus và nhiều loại thuốc khác.
Xin được nói rõ là bệnh này rất khó chữa, 7/8 bệnh nhân đã tử vong vì tình trạng suy hô hấp, trụy mạch không cải thiện và chảy máu nhiều nơi, chỉ có một bệnh nhân sống, bệnh nhân phải thở ôxy, hình ảnh X-quang trở lại bình thường sau gần 3 tuần điều trị. Qua thực tế điều trị cho các bệnh nhân H5N1, chúng tôi khuyến cáo các bậc cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện ngay khi có biểu hiện ho, sốt để phát hiện sớm. Tất cả bệnh nhân nhiễm H5N1 đến viện đều muộn, không có bệnh nhân nào vào viện trước 48 giờ kể từ khi khởi bệnh hoặc chỉ mới ho, sốt mà không khó thở. Bảy bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Nhi khi vào viện đều đã bị viêm phổi rất nặng vì viêm phổi là một trong những yếu tố tiên lượng nặng.
|