Aspirin là một trong những loại thuốc gây nhiều ca chảy máu dạ dày nhất. Loại thuốc này được dùng rất phổ biến để giảm đau, hạ sốt.
Chảy máu đường tiêu hóa có thể xảy ra ở bất kỳ một đoạn nào của ống tiêu hóa. Trong một số ít trường hợp, chỉ một lượng máu nhỏ bị mất do chảy máu lai rai, nhỏ giọt suốt thời gian dài, có khi không phát hiện thấy. Một số trường hợp khác chảy máu đột xuất, bất ngờ và nặng từ ống tiêu hóa ra, gây nôn ra máu hoặc đi ngoài phân có máu. Người bệnh phải đi khám, tìm nguyên nhân gây chảy máu và nếu chảy máu nặng thì phải vào viện.
Ngoài các nguyên nhân như viêm, loét, việc dùng thuốc cũng có thể gây chảy máu đường tiêu hóa. Đó là các thuốc salicylate chữa bệnh xương khớp, aspirin, các corticoides, amphetamine, thuốc chống dị ứng và sulfamide hạ đường huyết. Càng sử dụng liều cao và phối hợp nhiều thuốc thì khả năng gây chảy máu càng nhiều.
Chảy máu thường liên quan chặt chẽ với viêm loét dạ dày. Trong một nghiên cứu trên 80 ca chảy máu tiêu hóa của Pháp, các nhà khoa học nhận thấy các bệnh lý dẫn đến việc dùng thuốc thường là đau xương khớp, đau nửa đầu, một số bệnh lý về hô hấp.
Trong các thuốc gây chảy máu tiêu hóa, đứng đầu bảng là thuốc aspirin, chiếm 40-50% trường hợp chảy máu. Tai biến này xảy ra đột ngột, khỏi nhanh nếu ngừng uống thuốc và tái phát nếu uống thuốc trở lại. Các xét nghiệm cận lâm sàng và nghiên cứu thực nghiệm đã xác định được chắc chắn tính độc của aspirin đối với dạ dày. Thuốc gây độc tại chỗ ở niêm mạc dạ dày - tá tràng. Soi dạ dày cấp cứu khi chảy máu sẽ thấy có vùng phù nề xung quanh viên thuốc, niêm mạc bị sung huyết rất rõ và chảy máu.
Aspirin làm hạn chế sự tiết ra chất nhầy bảo vệ niêm mạc tiêu hóa, do đó niêm mạc dạ dày - tá tràng dễ bị viêm mạnh và loét. Nó cũng làm giảm tỷ lệ prothrombin trong máu, khiến người bệnh dễ chảy máu.
Các thuốc khác như cortisone, phenylbutazone, réserpin, indometacin cũng gây tổn thương niêm mạc dạ dày (gây viêm tại chỗ, loét nông ở niêm mạc). Kể cả những trường hợp viêm loét đã được chữa trị ổn định cũng bị thuốc kích thích, gây viêm loét cấp tính, chảy máu.
Để phòng tránh, không nên dùng thuốc như aspirin, cortirsone, phénylbutazone, réserpin, indometacin... cho những người bị viêm loét dạ dày- tá tràng, thoát vị cơ hoành hay có bệnh túi thừa đại tràng. Những người có tiền sử rối loạn tiêu hóa hoặc viêm loét dạ dày đã chữa trị ổn định cũng không nên dùng các thuốc trên.
Khi bị chảy máu tiêu hóa do thuốc, bệnh nhân phải ngừng ngay việc uống các thuốc đó và vào viện để được soi dạ dày cấp cứu, phát hiện nguyên nhân và chữa trị kịp thời.
GS Lê Sĩ Liêm, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Mở phòng khám và tư vấn bệnh hen trẻ em (03/03/2005)
▪ Cam thảo ngừa u ác tính (02/03/2005)
▪ Thuốc nam chữa viêm mũi mạn tính (03/03/2005)
▪ 5 loại thức ăn cần thiết mỗi ngày (02/03/2005)
▪ Anh khai trương ngân hành mô não (03/03/2005)
▪ Nhịn ăn sáng có thể giảm cân? (01/03/2005)
▪ Trẻ em nên uống sữa gì? (02/03/2005)
▪ TP Hồ Chí Minh: Gần 500 người mắc bệnh Rubella (02/03/2005)
▪ 8 lưu ý khi dùng sữa đậu nành (01/03/2005)
▪ Bé phẫu thuật tách đầu thừa đang tập thở (01/03/2005)