"Tôi nghe nói ở các nước, cây hồi được xem là một vị thuốc và gia vị quí. Xin bác sĩ cho biết ở nước ta đã trồng được cây này chưa và hồi thường được dùng để điều trị những bệnh gì?".
Trả lời:
Hồi còn gọi là đại hồi, bát giác hồi hương, đại hồi hương. Tên khoa học Illicium verum Hook.f. Cây hồi đặc biệt chỉ mọc trong một khu vực nhỏ ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Một số nơi khác cũng có trồng nhưng không đáng kể như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Trước đây người ta thường lẫn nó với cây hồi Nhật Bản Illicium anisatum Lour có chất độc, hoặc cây hồi núi Illicium griffithii cũng có chất độc.
Tây y dùng hồi làm thuốc trung tiện (carminatif), giúp tiêu hóa, lợi sữa, làm dịu đau, dịu co bóp, được dùng trong đau dạ dày, đau ruột và những trường hợp dạ dày và ruột co bóp quá mạnh. Ngoài ra, nó còn được dùng làm rượu khai vị, làm thơm thuốc đánh răng. Tuy nhiên, nếu dùng nhiều và liều quá cao sẽ gây ngộ độc với hiện tượng say, run chân tay, sung huyết não và phổi; trạng thái này có khi dẫn tới co giật như động kinh.
Theo tài liệu cổ, đại hồi vị cay, tính ôn, có tác dụng đuổi hàn kiện tỳ, khai vị, dùng chữa nôn mửa, đau bụng, bụng đầy chướng, giải độc thịt cá. Những người âm hư, hỏa vượng không dùng được. Hiện nay, hồi thường đựơc dùng làm thuốc trợ giúp tiêu hóa, ăn uống không tiêu, nôn mửa, đau nhức tê thấp. Mỗi ngày dùng 4-8 g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài ngâm rượu xoa bóp chữa đau nhức, tê thấp.
Ngoài cây đại hồi nói trên, hiện ta đã di thực thêm cây tiểu hồi hay hồi hương có tên khoa học Foeniculum vulgare Miller (Foeniculum capillaceum Gilibert) thuộc họ Hoa tán (Umbelliferae). Đây là một loại cỏ nhỏ, phiến lá cắt thành sợi nhỏ, thoáng trông giống lá cây thìa là (Anethum graveolens L. cùng họ). Toàn cây vò có mùi thơm của hồi. Quả nhỏ như hạt thóc, được dùng làm thuốc với tên hồi hương hay tiểu hồi hương, cùng một công dụng như đại hồi.
GS Đỗ Tất Lợi, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Miền Bắc: thêm 7 bệnh nhân nghi nhiễm viêm phổi do virus nhập viện (31/01/2005)
▪ Phân biệt đông trùng hạ thảo thật và giả (31/01/2005)
▪ Các thuốc chữa vô sinh nam (31/01/2005)
▪ Trẻ em lớn lên trong giấc ngủ (31/01/2005)
▪ Co giật ở trẻ em (31/01/2005)
▪ Lạm dụng thuốc nhỏ mũi làm ngạt mũi nặng hơn (31/01/2005)
▪ Giải oan cho cholesterol (31/01/2005)
▪ Giải pháp mới ngăn ngừa máu đóng cục (31/01/2005)
▪ Hoa hồng - Dược thảo lý tưởng (31/01/2005)
▪ Cứu sống một trẻ em bị té từ độ cao 5 mét (31/01/2005)