Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân lao
Các Website khác - 19/03/2005
Bệnh nhân lao mỗi ngày cần nguồn thức ăn đa dạng và có đủ các tinh bột;protein,lipid và vitamin, muối khoáng. Các thức ăn phù hợp có thể là rau, hoa quả, giá đỗ, gan, thịt, cá biển...
Bệnh lao vẫn là vấn đề mang tính toàn cầu do số người mang mầm bệnh chiếm tới 1/3 dân số thế giới. Hằng năm có tới 8 triệu trường hợp mới mắc lao, hơn 95% số bệnh nhân này ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Mỗi năm, lao là nguyên nhân gây 2-3 triệu trường hợp tử vong, 100.000 trong số đó là trẻ em.

Hầu hết các quốc gia đều có hoạt động tiêm phòng lao cho trẻ mới sinh và có chương trình phòng chống lao, bệnh nhân được chẩn đoán tại cộng đồng, được điều trị và theo dõi điều trị miễn phí. Thế nhưng bệnh lao vẫn không được ngăn chặn hoàn toàn bởi những chủng lao kháng thuốc do người bệnh tự ý bỏ điều trị hoặc phối hợp nhiễm HIV/AIDS. Cũng do quá tập trung vào điều trị bệnh nên cán bộ y tế còn chưa quan tâm tới dinh dưỡng cho người bệnh.

Thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng rõ rệt tới bệnh lao nói riêng và bệnh lý ở phổi nói chung. Ở những người thiếu dinh dưỡng, cơ hô hấp giảm nên sẽ cảm thấy khó thở hơn. Thiếu dinh dưỡng còn làm giảm khả năng giãn nở, đàn hồi và sức căng của phế nang, dẫn tới thông khí phổi giảm, phế nang dễ bị xẹp hơn, làm tăng nguy cơ bội nhiễm và bệnh chậm hồi phục. Khả năng miễn dịch của cơ thể cũng bị suy giảm: các tế bào niêm mạc đường hô hấp thiếu về số lượng, dễ bị tổn thương, giảm các kháng thể và giảm khả năng hoạt động của các tế bào miễn dịch.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp người bệnh tăng cường sức khỏe và sức đề kháng với bệnh tật, do đó làm tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ của thuốc và dự phòng tái nhiễm lao.

Nhu cầu dinh dưỡng ở bệnh nhân lao thường tăng để bù đắp cho quá trình chống đỡ bệnh tật và tái tạo tổ chức bị tổn thương. Mỗi ngày người bệnh cần có thêm khoảng 150-300Kcal, nghĩa là sẽ cần thêm một bát cơm có thức ăn hoặc có thể ăn những thực phẩm tương đương.

Thức ăn của người bệnh cũng cần đa dạng và có đủ các nhóm thực phẩm như nhóm cung cấp tinh bột như gạo, mỳ, bánh phở; cung cấp protein như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, cá, đậu, đỗ; nhóm cung cấp nhiều lipid như lạc, vừng, dầu, mỡ ăn và nhóm cung cấp nhiều vitamin và muối khoáng như rau và hoa quả. Thực phẩm giàu lipid cung cấp nhiều năng lượng, nên có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng tăng mà không cần ăn quá nhiều. Nhiều khi do khẩu vị thay đổi, người bệnh có cảm giác sợ mỡ nên có thể xào, rán thức ăn để người bệnh không cảm thấy có nhiều mỡ. Lạc, vừng, hạt điều, bột đậu tương... cũng có nhiều lipid, nhưng thường không gây cảm giác sợ mỡ.

Vi chất dinh dưỡng cũng là một yếu tố không thể thiếu trong khẩu phần. Vitamin A, E, C, selen, kẽm... tham gia vào quá trình tái tạo tổ chức và bảo vệ niêm mạc, tăng cường miễn dịch, chống ôxy hóa. Có thể bổ sung các vi chất này bằng thuốc uống hoặc thông qua ăn nhiều rau, hoa quả, giá đỗ, gan gia cầm, gia súc, thịt, cá biển.

Thuốc điều trị lao thường gây loạn khuẩn ruột gây rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy và có biểu hiện buồn nôn hay nôn. Ăn nhiều rau, hoa quả, khoai lang, rau lang có thể làm giảm những triệu chứng này. Cũng đã có một số nghiêm cứu cho thấy sử dụng sữa chua có thể giúp hệ vi khuẩn trong đường tiêu hóa được ổn định, do đó sẽ giải quyết được vấn đề táo bón và tiêu chảy.

Do rối loạn vi khuẩn ruột, vitamin K và B12 không được tổng hợp. Thiếu vitamin K làm tăng nguy cơ xuất huyết, đặc biệt ở bệnh nhân lao vì những thuốc điều trị lao có thể ảnh hưởng tới chức năng sản xuất các chất đông máu của gan. Trong trường hợp này, tốt nhất là tăng cường vitamin K qua thực phẩm như gan, rau xanh, dầu thực vật, cũng có thể uống hoặc tiêm vitamin K theo chỉ định của thầy thuốc, vitamin B12 và axit folic là những nguyên liệu cần cho quá trình tạo hồng cầu và tái tạo tổ chức cũng thường bị thiếu ở bệnh nhân lao. Những thực phẩm có nhiều vitamin K cũng có nhiều vitamin B12 và acid folic.

Thuốc chống lao INH làm giảm khả năng hấp thụ và sử dụng vitamin B6 và niacin (vitamin PP). Thiếu vitamin B6 có thể dẫn tới viêm dây thần kinh ngoại biên. Ngoài việc uống vitamin B6, người bệnh còn nên ăn nhiều thực phẩm có nhiều vitamin B6 như: thịt lợn, gan, đậu, đỗ, khoai tây, chuối... Thiếu niacin có thể gây bệnh pellagra với những biểu hiện như viêm da nặng, tiêu chảy, rối loạn tri giác và thường dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Gan, sữa, thịt nạc, ngũ cốc xay xát không kỹ là những thực phẩm có nhiều niacin.

Người bệnh cần uống đủ nước để bảo đảm bù đắp lượng nước mất đi do sốt, thở nhanh và làm giảm tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là thuốc pyrazinamid. Tuyệt đối không dùng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá vì những chất này làm giảm tác dụng điều trị và tăng tác dụng phụ của thuốc.

Bệnh lao thường xuất hiện ở người nghèo, thiếu dinh dưỡng và suy giảm sức đề kháng chung, quá trình điều trị kéo dài dẫn tới kinh tế khó khăn, gia đình không bảo đảm được chế độ dinh dưỡng tốt cho người bệnh. Nên chăng, Chương trình phòng chống lao cần đưa thêm chủ đề giáo dục dinh dưỡng và tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân khi đến nhận thuốc chống lao hằng ngày tại cơ sở theo Chương trình DOTS, ví dụ như một cốc/túi sữa, một chiếc bánh ngọt. Như vậy, người bệnh vừa được tăng cường dinh dưỡng, vừa có thêm động lực để tới cơ sở y tế nhận thuốc hằng ngày, làm tăng hiệu quả của Chương trình phòng chống lao.

Thạc sĩ NGUYỄN THANH TUẤN
Theo Theo Sức khoẻ đời sống